"Phải áp giá trần cho xăng dầu"
Trao đổi với PV Infonet, PGS- TS. Ngô Trí Long – Nguyên Viện trưởng Viện chiến lược thị trường giá cả (Bộ Tài chính) phản bác ý kiến áp giá trần cho mặt hàng điện, theo ông chỉ cần áp giá trần cho mặt hàng xăng dầu là đủ.
Cơ sở TS. Long đưa ra là, đối với mặt hàng độc quyền nhóm thì nên tính tới khả năng áp giá trần, còn đối với những mặt hàng độc quyền tuyệt đối thì phải áp giá chuẩn, mức giá mới đúng luật.
Cụ thể, mặt hàng xăng dầu hiện là mặt hàng độc quyền nhóm do đó ông Long cho rằng, nếu áp giá trần sẽ buộc doanh nghiệp lớn đang chiếm lĩnh phần lớn thị phần – như Petrolimex - phải phấn đấu cắt giảm chi phí tối đa, dù kinh doanh thua lỗ cũng không được bán "vượt trần" để bù lỗ. Cùng với đó, áp giá trần cho xăng dầu, lợi ích của người tiêu dùng sẽ được đảm bảo hơn, thay vì đang bị đối xử theo kiểu "qua mặt, đánh úp" như vừa rồi.
Theo các chuyên gia về giá, chỉ nên áp giá trần cho mặt hàng đang độc quyền một phần như xăng dầu |
Ông Long cũng dẫn dụ, do giá xăng dầu trong nước phụ thuộc gần như hoàn toàn vào giá thế giới, trong khi giá xăng dầu thế giới biến đổi liên tục nên không thể định giá theo tháng (30 ngày) mà chỉ nên quy định mức giá trần dao động từ 7-10 ngày là hợp lý. Khi giá thế giới thay đổi tăng, giảm thì giá trần trong nước cũng được phải thay đổi linh hoạt theo.
"Khi giá bán ra đã được giới hạn, doanh nghiệp không được bán vượt giá mà phải bán thấp hơn giá trần để cạnh tranh, thì người tiêu dùng sẽ không còn phải mua với giá cao nữa" – TS. Long bình luận.
Riêng với mặt hàng điện, chuyên gia về giá cả nhấn mạnh, "không thể áp giá trần mà phải theo cơ chế quản lý giá thì sẽ áp giá chuẩn, mức giá...". Ông Long giải thích: điện là ngành độc quyền tuyệt đối, mọi khâu từ phát điện – truyền tải – phân phối và kinh doanh EVN đều giữ 100% thị trường, có ai cạnh tranh với "ông lớn EVN trong thị trường điện đâu", vì thế "nói áp giá trần cho điện là chưa hiểu đúng bản chất trong cơ chế quản lý giá về định giá".
Trước đó tại một cuộc hội thảo tổ chức hồi đầu tuần của cơ quan quản lý giá, nhiều ý kiến chuyên gia đề xuất nên áp dụng giá trần cho mặt hàng điện, xăng dầu - những mặt hàng tác động nhiều tới đời sống người dân và đang phụ thuộc vào các doanh nghiệp độc quyền kinh doanh.
Theo TS. Vũ Đình Ánh, nếu áp giá trần cho cả mặt hàng xăng dầu, điện sẽ là cách xử lý độc quyền và vị thế thống lĩnh thị trường hiệu quả nhất hiện nay.
Cho rằng, nếu áp cơ chế để "quản" những mặt hàng đang độc quyền (dù là tuyệt đối, hay một phần) thì DN sẽ phải tiết giảm chi phí để đưa ra giá bán hợp lý nhất cho người dân, TS. Ngô Trí Long cũng nhấn mạnh, Nhà nước cũng phải kiểm soát được chi phí của những ngành này.
Cụ thể, với mặt hàng xăng, cơ quan chức năng phải tính toán thật chính xác mức giá nhập. Còn với điện, Nhà nước phải tính toán được chi phí một cách hợp lý, tức là tính đúng và tính đủ các chi phí, gồm những chi phí gì, mức chi là bao nhiêu.