Nuốt nghẹn, cảnh báo căn bệnh ung thư nguy hiểm
Nuốt nghẹn là hiện tượng bất thường ở cơ quan đường tiêu hoá trên, các chuyên gia cảnh báo nếu tình trạng kéo dài trên 2 tuần là dấu hiệu cảnh báo bệnh nguy hiểm.
Các bác sĩ Trung tâm Ung bướu và y học hạt nhân, Bệnh viện Bạch Mai thường xuyên tiếp nhận các bệnh nhân tuổi còn rất trẻ nhưng đã mắc ung thư dạ dày với những dấu hiệu rất mờ nhạt.
Trường hợp của anh Nguyễn. V.H, (31 tuổi, trú tại Hà Nội), đi khám bệnh vì lý do nuốt nghẹn, gầy sút cân.
Trước vào viện 2 tháng bệnh nhân thấy đau bụng thượng vị từng cơn, đau tăng khi đói. Sau xuất hiện nuốt nghẹn tăng dần, thậm chí thấy nghẹn cả khi uống nước; buồn nôn và nôn sau ăn no. Đầy bụng chậm tiêu, gầy sút cân kèm có đại tiện phân đen từng đợt.
Nội soi thực quản - dạ dày két quả bác sĩ phát hiện u sùi loét tâm vị dạ dày chảy máu, gây hẹp đèn soi khó đi qua, đã bấm sinh thiết tổ chức u làm xét nghiệm mô bệnh học. Kết quả sinh thiết: Ung thư biểu mô tuyến típ kém biệt hóa; Ung thư dạ dày di căn hạch ổ bụng, xương giai đoạn T4N1M1.
Ảnh minh hoạ. |
Anh H. cho biết gia đình không có tiền sử ung thư dạ dày. Bản thân anh H. trước đó cũng chưa bao giờ có triệu chứng đau dạ dày nên khi biết mình mắc ung thư anh H. rất sốc.
Trường hợp của anh Bùi Văn M. (43 tuổi, trú Thái Bình) đến khám vì nuốt nghẹn, cảm giác nuốt nghẹn kéo dài hơn 2 tháng liền, mỗi lần ăn cơm anh M. lại thấy mệt mỏi. Ngoài nuốt nghẹn, anh cũng hơi tức thượng vị. Nhưng vì dịch bệnh không đi khám, gần đây anh M. mới tới bệnh viện tỉnh kiểm tra.
Nội soi, bác sĩ chẩn đoán tổn thương theo dõi ung thư thực quản. Anh M. và gia đình lên Hà Nội kiểm tra với hi vọng sẽ được chẩn đoán chính xác hơn. Kết quả sinh thiết - ung thư thực quản dưới.
Ngay sau đó, bác sĩ phải mở thông dạ dày để đảm bảo dinh dưỡng cho bệnh nhân vì khối u loét, xâm lấn thực quản.
Trường hợp của ông Nguyễn Viết B. (46 tuổi, trú Hà Nam) trước khi vào viện, bệnh nhân xuất hiện nuốt nghẹn đặc tăng dần, lúc đầu nghẹn thức ăn đặc, sau đó nghẹn cả thức ăn lỏng (cháo), bệnh nhân gầy sút 5kg /1 tháng.
Bệnh nhân đi khám bệnh và được nội soi thực quản. Trên hình ảnh nội soi thấy có khối u sùi loét thực quản đoạn 1/3 giữa, sinh thiết khối u, kết quả mô bệnh học: Ung thư biểu mô vảy không sừng hóa, độ II. Bệnh nhân được chuyển đến Trung tâm y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai để được điều trị.
PGS Nguyễn Thị Hoài An trao đổi với PV. |
Theo PGS BS Nguyễn Thị Hoài An – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa An Việt, nuốt nghẹn biểu hiện của rất nhiều bệnh có thể là dị vật đường tiêu hoá, viêm amidan, viêm họng… Tuy nhiên, nuốt nghẹn xảy ra kéo dài, không có triệu chứng viêm vùng tai mũi họng đi kèm thì có thể do các khối u vùng thực quản, hạ họng.
PGS An cho biết, với những trường hợp nuốt nghẹn do u thường biểu hiện là nuốt nghẹn liên tục, tăng dần, dẫn đến không ăn uống được, kèm theo khó thở, cơ thể gầy sút nhanh chóng.
Đa số bệnh nhân ung thư thực quản đều có nuốt nghẹn. Lúc đầu, bệnh nhân thường có biểu hiện khó nuốt nhưng không cảm thấy đau. Khi bệnh nặng hơn, khó nuốt sẽ kèm thêm đau. Lúc đầu, bệnh nhân chỉ khó nuốt với thức ăn rắn, về sau khó nuốt với cả thức ăn lỏng, thậm chí nuốt nước bọt cũng thấy đau và khó thực hiện.
Khám thấy khối u vùng họng hoặc thực quản. Các khối u đường ăn ảnh hưởng tới ăn uống thường là các khối u ác tính.
Trong các trường hợp này, mức độ nghẹn tùy thuộc vào mức độ chèn ép của khối u; u càng lớn thì sự chèn ép càng mạnh gây nghẹn càng nhiều. Nếu giải quyết được khối u thì hiện tượng nghẹn cũng có thể hết. Vì vậy, khi có dấu hiệu nghẹn trên 2 tuần người bệnh cần tới các cơ sở kiểm tra tìm nguyên nhân gây nghẹn - PGS An khuyến cáo.
PGS An cho biết, áp lực công việc, thường xuyên căng thẳng, mệt mỏi, stress... là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh ở dạ dày – thực quản, trong đó có ung thư.
Vì thế, để phòng bệnh, PGS An nhấn mạnh, ngoài việc tuân thủ một chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học, chúng ta nên có chế độ làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, tránh căng thẳng, stress kéo dài ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.
Khánh Chi