Trời chuyển lạnh dễ bị viêm họng, cách phân biệt với biểu hiện mắc Covid-19
Cùng có biểu hiện ho, đau họng, vậy làm cách nào để một người có biểu hiện này phân biệt giữa viêm họng thông thường và mắc Covid-19?
Trời chuyển lạnh dễ bị viêm họng, cách phân biệt với biểu hiện mắc Covid-19 (ảnh minh hoạ) |
Chia sẻ với phóng viên Infonet, PGS.TS.BS chuyên khoa tai mũi họng Phạm Thị Bích Đào, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, những ngày gần đây tiếp nhận nhiều bệnh nhân gặp vấn đề về mũi họng.
Trong đó, rất nhiều người cảm thấy khó chịu khi mắc các triệu chứng viêm họng với những biểu hiện nuốt khó, đau rát, ho nhiều thậm chí nhiều người khàn tiếng, mất giọng.
Không ít người trong số này tìm đến bác sĩ với các câu hỏi: Liệu có phải mắc Covid-19 hay không khi cũng thấy đau, rát họng…
BS Đào cho biết, viêm họng là bệnh phổ biến hay gặp khi thời tiết chuyển lạnh hoặc mùa lạnh do xuất hiện những viêm nhiễm tại họng, phía sau khoang miệng. Bệnh có biểu hiện đặc trưng “đau họng”, ngoài ra, đau rát họng, nuốt khó cũng là dấu hiệu của viêm họng.
Tuy nhiên, BS Đào lưu ý, nếu bạn đau họng kèm theo sốt, mất mùi, mất vị giác,... nhất là có yếu tố dịch tễ tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ như người đi từ vùng dịch, ở vùng dịch, chưa tiêm vắc xin... thì cần nghĩ đến tình huống có thể mắc Covid-19. Lúc này người bệnh nên liên hệ với cơ quan y tế nơi cư trú để được hướng dẫn, xử lý kịp thời.
Đối với viêm họng do thời tiết, BS Đào cho rằng trước khi phải dùng đến thuốc, người bệnh có thể sử dụng các biện pháp phòng ngừa.
PGS. TS Phạm Thị Bích Đào |
Đầu tiên là tránh tiếp xúc với những người đang bị viêm họng, bệnh đường hô hấp.
Tác nhân gây viêm họng có tốc độ lây lan nhanh từ người này sang người khác. Quá trình giao tiếp sẽ khiến các giọt bắn nước bọt hay dịch tiết mũi bay trong không khí. Khi người đối diện hít phải hoặc bị bắn vào mắt sẽ dẫn đến lây nhiễm viêm họng.
Khi gặp người có biểu hiện viêm họng như ho, hắt xì, cần thực hiện: Giữ khoảng cách; dùng khẩu trang; sát khuẩn tay sau khi tiếp xúc, ho, hắt hơi, trước và sau khi ăn…
Tiếp đến là luyện tập thể dục thể thao, bổ sung chất dinh dưỡng nâng cao đề kháng.
“Hơn 90% người mắc các bệnh viêm họng đều do vi rút. Để ngăn chặn khả năng mắc viêm họng, đòi hỏi một cơ thể khỏe mạnh và sức đề kháng tốt. Theo đó, người dân cần duy trì thể dục thể thao hằng ngày, tăng độ dẻo dai cho cơ thể; bổ sung đầy đủ 2 lít nước mỗi ngày; xây dựng chế độ ăn đầy đủ chất để cơ thể không thiếu hụt các dưỡng chất thiết yếu…”, PGS. TS. BS Bích Đào nhấn mạnh.
Ngoài ra, để phòng viêm họng người dân cũng nên hạn chế các chất kích thích, thuốc lá, rượu, bia.
Lý do là bởi, niêm mạc cổ họng sẽ bị kích thích khi tiếp xúc với khói thuốc lá và rượu, bia. Cổ họng lúc này sẽ tiết nhiều chất nhờn, tạo thành đờm đặc.
Quá trình này kéo dài sẽ gây viêm, sưng đỏ cổ họng, khò khè và khó nuốt. Các chất kích thích làm suy giảm hệ miễn dịch. Hệ miễn dịch suy yếu tạo điều kiện cho các tác nhân như virus, vi khuẩn,… tấn công cơ thể.
Môi trường sống nhiều bụi bẩn và mất vệ sinh là điều kiện tốt cho vi khuẩn, vi rút,… sinh sôi. Cần thực hiện vệ sinh môi trường sống hằng ngày, giữ không gian nhà cửa thông thoáng. Thường xuyên lau dọn các vật dụng như: bàn phím, điện thoại, điều khiển là cách hữu hiệu để phòng ngừa viêm họng.
“Theo một vài nghiên cứu thống kê, trong khoang miệng con người có thể chứa tới 700 loại vi khuẩn. Đây chính là tác nhân gây nên các bệnh về hô hấp, viêm họng và viêm amidan,…
Miệng và cổ họng sau một ngày ăn nhai và nuốt nhiều thức ăn, từ đó sẽ tích tụ nhiều mảng bám. Nếu không vệ sinh sạch sẽ khoang miệng, các mảng bám lâu ngày sẽ tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, tấn công răng miệng và cổ họng gây viêm”, BS Đào bày tỏ.
Một biện pháp phòng bệnh hữu hiệu mà các chuyên gia tai mũi họng nhấn mạnh người dân không được bỏ qua đó là cần phải giữ ấm cơ thể và cổ họng vào thời tiết lạnh, giao mùa.
“Lý do là thời điểm giao mùa và mùa lạnh là lúc cơ thể thay đổi để thích nghi với thời tiết. Bởi vậy mà niêm mạc cổ họng trở nên yếu ớt hơn và dễ bị vi rút, vi khuẩn,…tấn công.
Vào thời điểm này, người dân nên tắm bằng nước ấm ở phòng kín, tránh gió lùa, lau khô người ngay sau khi tắm; Đêm ngủ cần đóng kín cửa, tránh gió lạnh vào phòng; Tránh để điều hòa hoặc quạt phả gió thằng vào người; Đeo khăn quàng giữ ấm cổ khi ra ngoài; Giữ ấm bàn tay, bàn chân, ngực, cổ, đầu…”, BS Bích Đào thông tin.
Đáng lưu ý, tai mũi họng là các bộ phận thông đến nhau, khi một khu vực bị tổn thương sẽ dễ dàng lây lan qua các vùng khác. Do đó, người bệnh cần chú ý khi có biểu hiện mắc các bệnh viêm mũi, viêm amidan, viêm xoang,… cần đến cơ sở y tế và điều trị sớm nhất có thể để tránh lây lan và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
Đối với người thường xuyên bị viêm họng, cần cẩn trọng hơn trong sinh hoạt để tránh bệnh tái đi tái lại nhiều lần. Thực phẩm cứng, đồ ngọt, đồ lạnh hay đồ cay nóng đều dễ kích thích niêm mạc cổ họng yếu ớt, gây sản sinh chất dịch nhờn, tạo thành đờm và môi trường tốt để vi khuẩn xâm nhập tấn công.
“Đeo khẩu trang khi ra đường và khi làm việc trong môi trường ô nhiễm, khói bụi.
Môi trường không khí chứa nhiều bụi bẩn gây hại cho đường hô hấp. Hiện tượng bụi mịn trong không khí hiện nay đã tăng 4 lần mức cho phép gây nhiều tác hại đến con người.
Người thường xuyên ra đường hay làm việc trong môi trường có nhiều bụi, ô nhiễm không khí cần đeo khẩu trang chuyên dụng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chính hãng; Đeo khẩu trang đúng cách và vệ sinh khẩu trang thường xuyên để bảo vệ đường hô hấp, tránh hít phải các chất độc hại, bụi bẩn”, BS Bích Đào khuyến cáo.
N. Huyền