Nông thôn mới chú trọng cải tạo cảnh quan môi trường
Xã Nghĩa Phú, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định. |
Sau hơn 9 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM), có thể thấy công tác vệ sinh môi trường nông thôn, khắc phục, xử lý ô nhiễm và cải thiện môi trường tại các làng nghề đã được chú trọng.
Báo cáo của Ban Chỉ đạo Các chương trình MTQG giai đoạn 2016 – 2020 cho thấy, công tác thu gom chất thải được đẩy mạnh, hầu hết các thôn, xã đã hình thành đội thu gom chất thải sinh hoạt; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom tăng đáng kể qua từng năm, từ 44,1% năm 2011 lên 63,5% hiện nay, thậm chí có nhiều địa phương cấp huyện, tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt đã đạt trên 90%.
Tính đến nay, cả nước có 3.210 xã và 19,5 nghìn thôn có hệ thống thoát nước thải sinh hoạt, trong đó có các tỉnh Hà Tĩnh, Thái Nguyên, An Giang đã thí điểm mô hình xử lý nước thải sinh hoạt nông thôn quy mô hộ gia đình, liên hộ theo hình thức phân tán hoặc bán tập trung.
Tỷ lệ số xã có điểm thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật đạt 21%. Công tác xây dựng cảnh quan, thực hiện vệ sinh môi trường có sự chuyển biến vượt bậc, tiêu biểu cho thành quả xây dựng nông thôn mới.
Nhiều mô hình cải tạo cảnh quan ở nông thôn, bản, ấp đã được các địa phương áp dụng sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tế. Đã có hàng vạn km tuyến đường hoa được hình thành trên bình diện toàn quốc, nhiều huyện đã có tỷ lệ các tuyến đường nông thôn trồng cây xanh – hoa đạt trên 50%.
Mô hình khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu, từ thành công ban đầu của một số địa phương (điển hình là Hà Tĩnh), đến nay đã có rất nhiều địa phương chủ động học tập và đang triển khai trên diện rộng ở quy mô cấp tỉnh, huyện.
Có 56,69% số hộ nông thôn được sử dụng nước sạch đạt chuẩn. Đến tháng 6/2019, các hộ có 3 công trình (nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt) hợp vệ sinh đạt 74%, tăng 18% so với năm 2010.
Hệ thống chính trị ở cơ sở thường xuyên được củng cố, kiện toàn. Nhiều tổ chức cơ sở Đảng ở nông thôn đã thực sự đóng vai trò là hạt nhân trong lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ về xây dựng nông thôn mới.
Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc khu vực nông thôn được đẩy mạnh, có bước phát triển mới, khơi dậy sức mạnh của nhân dân và cộng đồng trong giữ gìn an ninh chính trị, trật tự xã hội. Nhiều địa phương đã xây dựng và nhân rộng các mô hình tổ chức quần chúng làm công tác bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở theo hướng “tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải” để phòng chống tội phạm và các tệ nạn xã hội, bảo vệ tài sản, góp phần không nhỏ vào giữ gìn an ninh trật tự và bình yên ở nông thôn.
Các đơn vị quân đội đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của các địa phương, góp phần giữ vững 100% các xã hoàn thành các chỉ tiêu về quốc phòng trong xây dựng nông thôn mới.
Thị trấn Liễu Đề, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định. |
Tính đến tháng 10/2019, cả nước đã có 4.665 xã (52,4%) đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành vượt 2,4% so với mục tiêu 10 năm (2010-2020) của Đảng, Quốc hội và Chính phủ giao.
Trong số các xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, có 87 xã dặc biệt khó khăn thuộc chương trình 135 và 42 xã vùng bãi ngang ven biển, hải đảo.
Đồng thời, đã có 63 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và đã địa phương có xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Có 08 tỉnh, thành phố đã có 100% số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới gồm: Nam Định, Hà Nam, Hưng Yên, Thái Bình, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Dương, và Cần Thơ.
Cả nước đã có 109 đơn vị cấp huyện của 41 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Đặc biệt, tỉnh Đồng Nai và Nam Định đã có 100% xã và 100% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận tỉnh hoàn thành xây dựng nông thôn mới.