Nỗi lo người già không có trợ cấp, lương hưu
Nỗi lo bệnh tật, kinh tế
Ông Đỗ Đức Ng. 73 tuổi, trú tại Đông Hưng, Thái Bình vừa phát hiện ung thư đại tràng. Ông Ng. có BHYT nhưng vì cả hai vợ chồng không có lương, trợ cấp nên toàn bộ tiền khám chữa bệnh đi lại đều do các con đóng góp. Thời gian đầu, các con đoàn kết đóng góp đưa cha đi bệnh viện nhưng kéo dài điều trị hơn hai năm nên ai cũng oải. Mỗi lần đi viện là con cái tị nạnh nhau đóng tiền. Bản thân ông Ng. cũng mệt mỏi nhiều khi muốn buông xuôi để bệnh tật và tuổi già tự đến, tự đi.
Ông Ng. cho biết ngày còn trẻ ông cũng làm công nhân. Năm 1990, nhà máy giải thể nên cơ quan làm chế độ cho mọi người. Khi đó, ông Ng. về theo chế độ “một cục”. Ông mang tiền về quê tiêu được vài tháng là hết. Hiện tại, nhiều đồng nghiệp của ông vẫn ở Việt Trì và họ đều có lương, trợ cấp nên cuộc sống đỡ vất vả hơn.
Vợ chồng ông Nguyễn Ngọc Thê đều ngoài 70 tuổi, quê tại Bắc Giang nhưng hai ông bà vẫn tự đi kiếm tiền lo cho tuổi già. Ông Thê cho biết hai vợ chồng không có lương hưu. Ngày còn trẻ ông bà đi làm thuê lo cho các con. Con cái trưởng thành, sinh con đẻ cái ông bà ở nhà chăm nom các cháu để con cái đi xuất khẩu lao động. Hiện các con về nước, hai ông bà rủ nhau đi kiếm việc làm thêm để kiếm đồng ra, đồng vào. Hiện tại, vợ chồng ông Thê làm thêm nghề giao hàng quanh thành phố Bắc Giang. Vợ ông sẽ đi nhận đơn hàng về cho ông đi xe máy đi giao. Mỗi đơn được 15 nghìn đồng, mỗi ngày túc tắc 10 – 15 đơn cũng đủ hai vợ chồng ăn uống.
Cũng giống ông Thê, vợ chồng bà Nguyễn Hải Nguyện (70 tuổi, trú tại Lò Đúc, Hà Nội) không có trợ cấp nên hai ông bà vẫn cần mẫn lao động. Chồng bà Nguyện tranh thủ chạy xe đưa đón giúp con hàng xóm đi học. Bà Nguyện vẫn lấy hàng mang ra gần bệnh viện Trung ương Quân đội 108 bán. Ông bà cố gắng tự kiếm thêm tiền, giảm bớt gánh nặng kinh tế cho con cháu. Bà Nguyện cho biết ai cũng muốn con cháu phụng dưỡng nhưng thời nay có sức khỏe thì còn làm việc, còn kiếm tiền dối già. Bà Nguyện vẫn nói với chồng, một mẹ nuôi được 10 con, nhưng 10 con chưa chắc nuôi được một mẹ.
Đẩy mạnh tham gia BHXH
Theo số liệu của Quỹ Dân số Liên hợp quốc, Việt Nam có khoảng 6 triệu người cao tuổi không có khoản thu nhập thường xuyên nào. Đây lại là đối tượng gặp nhiều vấn đề về sức khỏe. Chính thực trạng này vô tình tạo thêm áp lực cho thế hệ kế tiếp, bởi khi một người cao tuổi bị ốm đau phải nhập viện thường phải có con cháu vào phục vụ và chi phí rất tốn kém. Trong khi đó, dân số nước ta đang già hóa với tốc độ nhanh chưa từng thấy. Đáng lo hơn, phần lớn người cao tuổi hiện nay không có tích lũy về kinh tế, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Khoảng 1/3 số người cao tuổi trong cả nước tham gia vào thị trường lao động để lo mưu sinh, nhằm giảm bớt gánh nặng cho con cháu. Do đó, việc chăm lo, cải thiện đời sống người cao tuổi trong bối cảnh hiện nay đang là vấn đề rất đáng quan tâm.
Theo TS. Nguyễn Thế Huệ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Người cao tuổi Việt Nam, số người hết tuổi lao động được hưởng lương hưu từ quỹ BHXH vẫn còn rất thấp. Trong số 12 triệu người cao tuổi, chỉ có khoảng 4 triệu người có lương hưu và trợ cấp xã hội; còn khoảng 6,5 triệu người cao tuổi vẫn phải đi lao động để kiếm sống. Dù chứng kiến nhiều trường hợp người cao tuổi phải sống vất vả do không có lương hưu, nhưng nhiều người trẻ vẫn rút BHXH một lần mà không lường trước được hệ lụy với chính mình trong tương lai. Bởi, chỉ khoảng 15-20 năm nữa, vấn đề an sinh sẽ trở thành gánh nặng với chính họ và xã hội.
Do vậy, để hạn chế tình trạng này, TS Huệ cho rằng bên cạnh các giải pháp hạn chế rút BHXH một lần, Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ người dân tham gia BHXH. “Chúng ta nên tạo điều kiện hỗ trợ một phần nào đó để người dân tham gia BHXH. Đơn cử: Nhà nước sẵn sàng bỏ ra một ít tiền ban đầu, khoảng 30% tổng số tiền phải đóng, trong 3 năm chẳng hạn. Sau đó, cứ đà đấy người dân đóng BHXH cho đến khi đủ điều kiện để hưởng lương hưu. Như thế ai cũng có tiền để sống lúc tuổi già và Nhà nước sẽ vơi bớt nỗi lo gánh nặng an sinh.
TS.Nguyễn Thế Huệ cũng khuyến cáo người lao động nên tham gia BHXH trước tuổi 40 để có chỗ dựa lúc về già.
K.Chi