Những dấu ấn rõ nét của kinh tế tập thể, hợp tác xã ở Hà Tĩnh
Trong lĩnh vực nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có 593 hợp tác xã (HTX, chiếm 57,57%). Trong số những HTX tham gia xếp loại, có 64 HTX xếp loại tốt (đạt 13,2%), 184 HTX xếp loại khá (đạt 37,9%), 185 HTX xếp loại trung bình (chiếm 38,1%) và 53 HTX xếp loại yếu (chiếm 10,9%).
Về lĩnh vực này, nhiều HTX đang dần mạnh dạn áp dụng khoa học công nghệ, áp dụng chuyển đổi số trong sản xuất và điều hành như HTX Nga Hải, HTX Hải Gia Phúc, HTX Tân Phương Đông, HTX Hoàng Hà, HTX mật ong Cường Nga, HTX Minh Lộc chăn nuôi và XD, HTX Thắng lợi.
Một số HTX chú trọng vào các khâu liên doanh, liên kết tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm dịch vụ và tập trung, tích tụ ruộng đất, cánh đồng mẫu lớn để đưa máy móc, cơ giới hóa vào sản xuất, vừa giảm được sức lao động, tăng hiệu quả và năng suất sản phẩm trên cùng một đơn vị diện tích như HTX Dịch vụ Thương mại tổng hợp nông nghiệp Hạ Vàng; HTX Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp Bắc Sơn; HTX Dịch vụ nông nghiệp Thạch Hạ.
Lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, điện, có 83 HTX (chiếm 8,05%), trong đó có 5 HTX dịch vụ điện. Vốn điều lệ bình quân đạt 1.934 triệu đồng/HTX, doanh thu bình quân đạt 840 triệu đồng/HTX; thu nhập bình quân của thành viên trong các HTX công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đạt khoảng 1,5-2 triệu đồng/người/tháng.
Riêng đối với các HTX điện, doanh thu bình quân 5,5 tỷ đồng/năm/HTX, lợi nhuận bình quân từ 150 triệu đồng/năm/HTX, thu nhập bình quân hàng tháng của thành viên HTX là 2,5-3 triệu đồng/người. Có nhiều HTX đã tích cực tham gia Chương trình OCOP đạt chất lượng tốt như HTX Kinh doanh tổng hợp Minh Lương, HTX sản xuất Thương mại và dịch vụ Nguyên Lâm, HTX Hải sản Cửa Nhượng, HTX thu mua chế biến thủy hải sản Phú Khương…; một số sản phẩm đạt danh hiệu sản phẩm công nghiệp tiêu biểu.
Lĩnh vực thương mại, dịch vụ tổng hợp, chợ, có 128 HTX (chiếm 12,42%). Vốn điều lệ bình quân của các HTX đạt 950 triệu đồng/HTX, doanh thu bình quân đạt 450 triệu đồng/HTX; lợi nhuận bình quân đạt trên 80 triệu đồng/HTX; thu nhập bình quân của người lao động đạt trên 2,6 triệu đồng/người/tháng.
Các HTX từng bước hoạt động hiệu quả, kinh doanh dịch vụ chợ, sản xuất hàng hóa phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, có 110/151 chợ do HTX quản lý đã phát huy được vai trò và hoạt động hiệu quả hơn trước, giúp xóa dần tình trạng chợ cóc, chợ xép dọc các tuyến đường gây mất mỹ quan và mất an toàn giao thông. Nhiều HTX đã đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động các chợ có quy mô chợ hạng 2, hạng 3 với nhiều gian hàng và ki ốt lớn. Một số sản phẩm OCOP của các HTX trong tỉnh đã được xuất khẩu và có mặt tại các siêu thị lớn trên toàn quốc như Bánh đa vừng của HTX Nguyên Lâm đã xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc và có mặt tại nhiều siêu thị Co.opmart, Winmart, Big C.
Về lĩnh vực xây dựng, vận tải có 43 HTX (chiếm 4,17%). Các HTX loại hình này đã bị ảnh hưởng nhiều do đại dịch covid 19 nên hoạt động sản xuất kinh doanh bị ngưng trệ, nhiều công trình dự án tiến độ triển khai chậm hơn. Tuy nhiên, các HTX cũng đang có nhiều cố gắng để khắc phục khó khăn và duy trì hoạt động để đảm bảo đời sống cho thành viên.
Lĩnh vực môi trường có 151 HTX (chiếm 14,66%). Các HTX loại hình này hầu hết hoạt động công ích, không vì mục tiêu lợi nhuận. Nhìn chung, đời sống của các thành viên HTX vệ sinh môi trường còn gặp nhiều khó khăn, công việc vất vả, thu nhập thấp. Mức lương trung bình của người lao động tùy thuộc vào số ngày làm việc trong tháng và từng địa bàn.
Ở những vùng thu gom với tần suất ít (khoảng 3 - 4 lần/tháng) như các huyện Can Lộc, Đức Thọ, Thạch Hà thì mức thấp nhất là 1triệu đồng/tháng, còn ở nơi có tần suất thu gom cao như huyện Nghi Xuân, Hương Sơn, mức cao nhất khoảng 3 - 4 triệu đồng/tháng. Hầu hết các HTX vệ sinh môi trường chưa thực hiện đóng BHYT, BHXH cho thành viên.
Mặc dù mức lương thành viên thấp, hoạt động còn gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên một số HTX hoạt động khá hiệu quả như HTX môi trường xã Sơn Thọ (huyện Vũ Quang); HTX môi trường thị trấn Tây Sơn (huyện Hương Sơn); HTX môi trường xã Hương Trà (huyện Hương Khê); HTX môi trường xã Kỳ Hoa (Thị xã Kỳ Anh); HTX môi trường thị trấn Nghèn (huyện Can Lộc).
Đối với Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND), toàn tỉnh hiện có 32 QTDND đang hoạt động ở 12/13 huyện, thành phố thị xã (riêng huyện Vũ Quang không loại hình này). Có 22/32 quỹ hoat động trên địa bàn liên phường, xã với hơn 56 nghìn thành viên. Tổng nguồn vốn hoạt động là 4.536 tỷ đồng (bình quân 141,75 tỷ đồng/quỹ, tăng 3,53% so với đầu năm 2022). Trong đó vốn điều lệ bình quân đạt 7,53 tỷ đồng/quỹ, vốn huy động bình quân đạt 120,53 tỷ đồng/quỹ.
Doanh số cho vay 6 tháng đầu năm đạt 2.625 tỷ đồng với 11.045 thành viên được vay vốn. Tổng dư nợ của các quỹ đến nay đạt 4.058 tỷ đồng tăng 3,73% so với đầu năm 2022. Nhiều Quỹ có vốn điều lệ hàng trăm tỷ đồng như QTD liên xã Cương gián - Xuân Liên, QTD Cẩm Thành, QTD Kỳ Anh, QTD Cẩm Yên, QTD Trung Hạ - Nguyễn Du.
Toàn tỉnh hiện có 113 HTX, QTDND được thuê đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích 147,16ha, trong đó có 10 HTX, QTDND được đăng ký chứng nhận tài sản trên đất với 67 công trình, diện tích xây dựng 24.069m2.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hùng, Chủ tịch Liên minh HTX Hà Tĩnh, qua 3 năm triển khai chương trình mỗi xã 1 sản phẩm, có 105 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP/tổng số 249 sản phẩm OCOP toàn tỉnh (trong đó có 62 HTX với 82 sản phẩm, 22 THT với 23 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP; có 5 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao).
Mặc dù còn khó khăn song các HTX ở Hà Tĩnh đã từng bước tham gia vào chuỗi dịch vụ, sản xuất, cung ứng sản phẩm chất lượng cao; xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn và công tác an sinh xã hội; tạo việc làm cho khoảng 56.700 lao động. Điều đó khẳng định vị trí, vài trò và tầm quan trọng của kinh tế tập thể, HTX trong điều kiện mới.
Trần Hoàn