Huyện miền núi Nghệ An nỗ lực từng bước xây dựng nông thôn mới
Là huyện miền núi đang còn gặp nhiều khó khăn nhưng bằng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, đến nay, huyện Quế Phong (Nghệ An) đã có nhiều khởi sắc trong xây dựng nông thôn mới, đời sống người dân được nâng lên.
Các bản làng ngày một khởi sắc
Năm 2021, huyện Quế Phong (Nghệ An) đã huy động 63.644,9 triệu đồng để xây dựng nông thôn mới (NTM). Trong đó vốn ngân sách Nhà nước 56.581 triệu đồng (ngân sách tỉnh 56.015 triệu đồng, ngân sách huyện 566 triệu đồng); vốn lồng ghép của chương trình 4.912 triệu đồng; vốn người dân đóng góp 2.151,9 triệu đồng.
Là địa bàn khó khăn của cả nước nhưng huyện đã hết sức nỗ lực xây dựng nông thôn mới, đến hết tháng 10/2021, số tiêu chí bình quân đạt 12,33 tiêu chí/xã, tăng 0,083 tiêu chí so với năm 2020. Xã đạt nhiều nhất 16 tiêu chí; xã đạt thấp nhất là 09 tiêu chí; trong đó có 11 xã đạt từ 10 đến 16 tiêu chí, chiếm 91,67% ; 01 xã đạt 9 tiêu chí, chiếm 8,33% (năm 2020 xã đạt ít nhất là 8 tiêu chí). Dự kiến đến cuối năm 2021, toàn huyện có thêm từ 2 - 3 xã đạt thêm từ 1 - 2 tiêu chí, nâng số tiêu chí bình quân 12,58 tiêu chí /xã.
Một góc xã biên giới Tri Lễ, huyện Quế Phong |
Phong trào thi đua “Nghệ An chung sức xây dựng Nông thôn mới” được Quế Phong triển khai, phát huy được hiệu quả thiết thực. Toàn hệ thống chính trị các cấp, các ngành, Ủy ban MTTQ, các đoàn thể chính trị xã hội và đặc biệt là cộng đồng dân cư đã tiếp tục tích cực tham gia thực hiện chương trình. Cụ thể như Hội nông dân huyện triển khai thực hiện các phong trào, gồm: “Nông dân sản xuất và kinh doanh giỏi”, “xây dựng vườn theo hướng vườn chuẩn Nông thôn mới”, “Viên gạch nông dân” nhằm hỗ trợ hội viên nông dân có hoàn cảnh khó khăn chưa có nhà ở; tổ chức các hoạt động trợ giúp hội viên nông dân để có điều kiện vươn lên phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập; Hội Liên hiệp phụ nữ huyện đẩy mạnh phong trào thi đua cuộc vận động “gia đình 5 không 3 sạch gắn với xây dựng nông thôn mới”...
Bên cạnh đó, tính chủ động, sáng tạo trong phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo và làm giàu ở một số xã, một số Hợp tác xã và các hộ dân tiếp tục được nâng lên. Trong sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đã có nhiều bước tiến mới về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa và áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, nhiều mô hình mới, đã và đang được nhân rộng phát huy hiệu quả, giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích không ngừng tăng lên.
Nhiều bản làng ở Quế Phong đã “thay da, đổi thịt”. |
Kinh tế nông thôn dần chuyển dịch theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Các làng nghề, tổ hợp tác sản xuất được hình thành và mở rộng, tạo thêm việc làm tại chỗ cho người dân, góp phần chuyến dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh giảm nghèo bền vững ở nông thôn đặc biệt là các vùng khó khăn. Kết quả thực hiện có một số chỉ tiêu bằng và vượt so với chỉ tiêu cấp trên giao, chất lượng các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá tiếp tục được nâng lên; sản xuất, thu nhập và điều kiện sống của Nhân dân được nâng lên một bước. Thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn ở Quế Phong ước đạt 32,2 triệu đồng/người/năm.
Nhiều xã, thôn bản đã quyết tâm, nỗ lực trong việc phấn đấu đạt chuẩn thôn bản đạt nông thôn mới, tiến tới xây dựng xã nông thôn mới, tạo động lực rất lớn để triến khai chương trình. Diện mạo khu vực nông thôn ở huyện miền núi Quế Phong ngày một khởi sắc.
Nỗ lực thực hiện đề án xây dựng nông thôn mới các xã biên giới
Những năm qua, huyện Quế Phong đã xây dựng kế hoạch và chỉ đạo các ban, ngành cấp huyện xây dựng và triển khai các cơ chế, chính sách của cấp trên; các nguồn hỗ trợ hợp pháp khác để xây dựng các mô hình, dự án phát triển sản xuất, sinh kế cho người dân như: Chanh leo, Bon bo, Nuôi cá lồng, Lúa Japonica,… đã tạo ra việc làm, từng bước ổn định sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân.
Đường giao thông được đầu tư, đời sống bà con đồng bào ngày được nâng lên. |
Địa phương đã huy động nguồn lực đầu tư thực hiện Đề án xây dựng nông thôn mới các xã biên giới với 5.693 triệu đồng. Trong đó, vốn Ngân sách Nhà nước 4.443 triệu đồng; vốn lồng ghép 1.042 triệu đồng, vốn huy động từ người dân và cộng đồng 208 triệu đồng, huy động được 3.799 ngày công lao động.
Qua đó góp phần đưa các xã Thông Thụ, Hạnh Dịch, Tri Lễ, Nậm Giải (huyện Quế Phong) từng bước hoàn thiện, nâng cao các tiêu chí. Số tiêu chí bình quân đạt 11 tiêu chí/xã, tăng 0,5 tiêu chí so với năm 2020, dự kiến đến cuối năm 2021 có từ 1 - 2 bản về đích nông thôn mới.
Chợ Kim Sơn là một điểm nhấn về đầu tư cơ sở hạ tầng tại huyện Quế Phong |
Ông Bùi Văn Hiền, Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong cho biết, ngoài những chính sách hỗ trợ của Nhà nước (Trung ương, Tỉnh), huyện sẽ có cơ chế hỗ trợ thôn bản xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm OCOP đạt chuẩn được tỉnh công nhận; cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất để động viên, thúc đẩy, khuyến khích cho các tổ chức, địa phương trong thực hiện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Bên cạnh đó, thực hiện lồng ghép các chính sách của Nhà nước thông qua các Chương trình Mục tiêu quốc gia như Giảm nghèo bền vững, Nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; các chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu, nguồn vốn hợp pháp khác cũng như huy động tối đa nguồn lực của địa phương để tổ chức triển khai chương trình một cách hiệu quả nhất.
“Huyện đang từng bước hoàn thành cơ bản về cơ sở hạ tầng thiết yếu, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống dân cư nông thôn như: đường giao thông, điện, thủy lợi, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế; nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, thúc đẩy phát triển sản xuất, xây dựng mô hình sinh kế gắn với việc làm ổn định, tăng thu nhập cho người dân”, ông Hiền cho biết thêm.
Bảo Trâm