Đắk Lắk: “Sân chơi OCOP” trong chương trình xây dựng Nông thôn mới
Ngoài việc góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, cải thiện đời sống của nông dân, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tại Đắk Lắk còn tạo “sân chơi” phát huy thế mạnh của từng địa phương trên thị trường.
Phát huy tiềm lực của từng địa phương
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Đắk Lắk, sau 2 năm triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), địa phương đã gặt hái được nhiều thành quả tích cực.
Cụ thể, ngoài việc khơi dậy tiềm năng, thế mạnh về sản vật, vùng nguyên liệu, nguồn lao động tại từng địa phương, các sản phẩm OCOP còn nâng cao thu nhập cho người dân ở nông thôn, góp phần giải quyết nhóm tiêu chí “kinh tế và tổ chức sản xuất” trong bộ tiêu chí xây dựng Nông thôn mới (NTM).
Sau 2 năm triển khai, chương trình OCOP tại Đắk Lắk đã từng bước hình thành các vùng sản xuất nông sản sạch, an toàn; vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với các chuỗi giá trị sản phẩm.
Đặc biệt, chương trình OCOP đã được sự quan tâm của các ban ngành đoàn thể tại Đắk Lắk, tạo được sức lan tỏa rộng rãi từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở, mang tính tương tác cao giữa chủ thể sản xuất và người tiêu dùng.
Nhờ vậy, các làng nghề, các HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ được nâng cao năng lực trong tổ chức sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông sản, dịch vụ đặc trưng của tỉnh. Đồng thời, đây cũng là tiền đề, cơ sở vũng chắc để nâng tầm thương hiệu, giá trị, chất lượng sản phẩm, phát huy được sức mạnh và vai trò của cộng đồng trong bảo tồn và phát triển sản phẩm truyền thống của địa phương.
Đắk Lắk có thế mạnh về những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng như cà phê. |
Chương trình OCOP còn góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại khu vực nông thôn, trở thành một trong giải pháp quan trọng để thực hiện có hiệu quả xây dựng NTM. Hơn thế, chương trình OCOP còn góp phần để từng bước hình thành vùng sản xuất nông sản sạch, an toàn, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với các chuỗi giá trị sản phẩm, quảng bá và phát triển thị trường sản phẩm của địa phương đến với các thị trường trong và ngoài nước một cách hiệu quả.
Theo Sở NN-PTNT Đắk Lắk, chương trình OCOP được đơn vị đặt trong tổng thể nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội gắn với chương trình nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Đồng thời, Sở NN-PTNT Đắk Lắk sẽ đưa OCOP trở thành chương trình phát triển kinh tế quan trọng của tỉnh để tập trung sản xuất có quy mô trong lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp, góp phần cung ứng sản phẩm, dịch vụ cho phát triển du lịch, dịch vụ, thương mại của tỉnh.
Sau hơn 2 năm triển khai chương trình OCOP, hiện tại Sở NN-PTNT Đắk Lắk thống kê được tại địa phương có 33 Doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình đăng ký hồ sơ để đánh giá, phân hạng sản phẩm, vượt chỉ tiêu so với kế hoạch đề ra.
Thời gian tới, Sở NN-PTNT Đắk Lắk sẽ tiếp tục phát huy tiềm năng thế mạnh của các địa phương, sức sáng tạo của người dân nhằm tạo ra sản phẩm hàng hóa có chất lượng tốt, đạt các tiêu chuẩn theo quy định; kiểu dáng bao bì thuận tiện, hiện đại, phù hợp, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng; hình thành các chuỗi giá trị sản phẩm trọng tâm là các sản phẩm chủ lực cấp huyện, tỉnh, quốc gia để vươn ra thị trường trong và ngoài nước.
Tạo cơ hội cho sản phẩm OCOP vươn xa
Mới đây, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP của Đắk Lắk đã tổ chức đánh giá phân hạng, gắn 4 sao cho 3 sản phẩm và gắn 3 sao cho 8 sản phẩm tại địa phương, nâng tổng số sản phẩm OCOP được gắn sao trên địa bàn lên con số 46.
Sở NN-PTNT Đắk Lắk đặt mục tiêu phấn đấu mỗi năm có khoảng 50 sản phẩm đạt sao OCOP cấp tỉnh. Đến năm 2025 sẽ nâng cấp, chuẩn hóa, hoàn thiện khoảng 250 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, có ít nhất 3 sản phẩm đạt 5 sao OCOP quốc gia.
Sầu riêng cũng là một thế mạnh trong ngành nông nghiệp của tỉnh Đắk Lắk, mang lại hiệu quả kinh tế cao. |
Sở NN-PTNT Đắk Lắk cũng ưu tiên phát triển các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh gồm thành phần kinh tế hợp tác và kinh tế tư nhân theo hướng cộng đồng, các hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh cá thể… để sản xuất các sản phẩm truyền thống, sản phẩm có lợi thế ở khu vực nông thôn góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị.
Để giúp các sản phẩm OCOP của Đắk Lắk được biết đến rộng rãi, Sở NN-PTNN Đắk Lắk còn thường xuyên đưa các sản phẩm đi trưng bày, giới thiệu, kết nối với các thị trường trong và ngoài tỉnh trong các hội chợ, triển lãm thương mại. Nhờ vậy, các đơn vị có sản phẩm OCOP có thêm cơ hội để tiếp cận, kết nối thị trường, hoàn thiện sản phẩm để tham gia vào hệ thống siêu thị BigC, Vinmart…
Bên cạnh đó, Phòng NN-PTNN các huyện trên địa bàn Đắk Lắk cũng chủ động làm đầu mối, tổ chức liên kết các chủ thể với đại diện siêu thị, xây dựng các điểm bán hàng, giới thiệu sản phẩm OCOp để quảng bá thế mạnh của địa phương mình đến với thị trường.
Theo ông Nguyễn Huy Hoàng, Trưởng phòng NN-PTNN huyện Krông Pắk, về lâu dài, sản phẩm OCOP sẽ trở thành sân chơi rất rộng, mang tính chủ lực của từng địa phương, góp phần cải thiện thu nhập và đem lại thu nhập ổn định, bền vững đối với người dân.
Ông Hoàng chia sẻ: “Khi được công nhận sản phẩm OCOP, các sản phẩm này sẽ được tạo điều kiện để quảng bá rộng rãi hơn, được nhiều người biết đến. Từ đó, các sản phẩm OCOP sẽ có cơ hội để tìm kiếm, kết nối với thị trường tiêu thụ, giúp người dân, HTX nâng cao thu nhập theo đúng định hướng của chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM”.
Trần Nhân