Những ám ảnh của bác sĩ điều trị Covid-19 cho bệnh nhân ung bướu
Bệnh viện dã chiến số 1 Thành phố Thủ Đức đặt tại chung cư Bình Minh, nơi đây đang tiếp nhận điều trị cho hàng nghìn bệnh nhân ung thư mắc Covid-19.
Cụ thể về 8 loại vắc xin phòng Covid-19 đã được cấp phép tại Việt Nam
Các loại vắc xin được phê duyệt sử dụng hiện nay gồm: AstraZeneca, Gam-COVID-Vac (tên khác là SPUTNIK V), Vero Cell, Comirnaty của Pfizer/BioNTech, Vắc xin Spikevax (Tên khác là Moderna), vắc xin Janssen, vắc xin Hayat-Vax và vắc xin Abdala.
Nguy cơ nhiễm Covid-19 của bệnh nhân ung thư
Bà Sương, 54 tuổi, phát hiện mắc Covid-19 qua xét nghiệm định kỳ khi đang chuẩn bị hóa trị ung thư buồng trứng giai đoạn cuối tại Khoa Ung bướu, Bệnh viện Thành phố Thủ Đức. Bà phải ngưng đợt hóa trị, cách ly điều trị Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến số 1 TP Thủ Đức. Khi nhập viện, bà khá mệt, phải thở oxy, bụng to phải hút dịch ổ bụng nhiều lần, kèm điều trị giảm đau. Chiều 18/9, sau khi hút khoảng 2 lít dịch trong ổ bụng, bà Sương cảm thấy nhẹ nhàng hơn, đỡ đau đớn.
"Điều trị ung thư gần ba năm nay, lúc nhận chẩn đoán mắc Covid-19 tôi rất lo lắng, sợ mình không đủ sức vượt qua", bà Sương nhớ lại. Khi mới vào viện, mỗi ngày nghe tin người này người kia không qua khỏi, bà càng hoang mang. Tuy nhiên, nhờ sự trấn an, động viên của các y bác sĩ, bà mới dần vững tâm, giữ tinh thần thoải mái để chiến đấu với bệnh.
Đã tiêm một mũi vắc xin ngừa Covid-19 do Khoa Ung bướu tổ chức hồi giữa tháng 8, bà hồi phục khá thuận lợi, âm tính sau hơn một tuần điều trị. "Tôi chỉ mong sớm ổn để trở lại tiếp tục hóa trị, lúc trước đã từng gián đoạn do giãn cách ngại đến bệnh viện", bà Sương chia sẻ.
Bà Sương là một trong số hơn 50 F0 ung thư điều trị tại Khoa Ung bướu, Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 TP Thủ Đức số 1 (chung cư Bình Minh, trực thuộc Bệnh viện TP Thủ Đức). Chung cư Bình Minh được chuyển công năng thành nơi trị Covid-19 quy mô 1.500 giường (trong đó khoảng 100 giường hồi sức), hồi cuối tháng 8. Đây là bệnh viện dã chiến đầu tiên tại TP HCM có khoa điều trị bệnh nhân ung thư mắc Covid-19, trong bối cảnh lượng bệnh nhân này gia tăng.
BS Nguyễn Triệu Vũ – Trưởng khoa Ung bướu, BV Thành phố Thủ Đức, TP.HCM chia sẻ, mới đi vào hoạt động được hơn 1 tháng nhưng khoa bệnh nhân ung thư nhiễm Covid-19 luôn là điểm nóng của bệnh viện. Có thời điểm hơn 1 nửa bệnh nhân phải hỗ trợ thở. Những trường hợp nặng quá, bác sĩ chuyển tới khoa Hồi sức cấp cứu tại BV dã chiến này.
Nhân viên y tế BV Thành phố Thủ Đức làm việc tại BV Dã chiến. |
Theo bác sĩ Vũ, chăm sóc bệnh nhân ung thư mắc Covid-19 đòi hỏi phải theo dõi sát để can thiệp kịp thời. Các bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối đều vận động kém, thể trạng suy kiệt nên mọi chuyện đều nhờ nhân viên y tế hỗ trợ như pha sữa, đút ăn, uống, thay ga trải giường, thay tã, kể cả chuyện hậu cần như thay bình ô xy, đổ rác… Nhiều lúc không có bác sĩ và điều dưỡng, nhân viên y tế cũng phải làm, nhất là những bệnh nhân không có người nhà cùng chăm sóc.
Các bệnh nhân ung thư nhiễm Covid-19 thường bệnh diễn tiến nhanh và nặng với tỷ lệ tử vong lên đến 25 - 30%, gấp 10 - 12 lần so với tỷ lệ trung bình của Việt Nam 2,5% và thế giới là 2,1%. Theo y văn thế giới, bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối có tỷ lệ tử vong lên đến 30 – 40%.
Khi mắc Covid-19, bệnh nhân ung thư sẽ tạm hoãn các điều trị khác như hóa trị, phẫu thuật… và sẽ tiếp tục sau khi hồi phục bệnh Covid-19 hoàn toàn.
Những việc chưa từng làm với bác sĩ
Bác sĩ Vũ cho biết đối với bệnh nhân ung thư cần tiêm phòng vắc xin sớm. Những bệnh nhân đã chích ngừa, dù 1 mũi, có diễn tiến thuận lợi và hồi phục nhanh chóng sau khi mắc Covid-19.
Những ngày qua, bác sĩ Vũ trải qua đủ cảm xúc và có lẽ gần 20 năm làm bác sĩ anh chưa bao giờ chứng kiến. “Tôi không ngại bất cứ vất vả gì về chuyên môn, chứng kiến người bệnh tử vong nhiều lần, nhưng đối với bệnh nhân Covid-19 nó thực sự khác, có lúc tôi không nhận ra mình đang có cảm xúc gì, chỉ biết nó rất khó tả, có chút ám ảnh”.
Bệnh nhân ung thư đang điều trị Covid-19. |
BS Vũ tâm sự, bệnh nhân nặng vào khoa tử vong thì các y bác sĩ sẽ phải trực tiếp thay quần áo, lau rửa cho người quá cố để họ về thế giới bên kia. Bệnh nhân Covid-19 thì khác với những bệnh nhân khác, khi qua đời không có người thân bên cạnh, không được tụng kinh, cúng bái như tâm lý truyền thống. Nhiều người bệnh biết họ không qua khỏi vẫn cố xin bác sĩ cho được về nhà để nhìn mặt người thân. Đứng trước khoảnh khắc đó, bác sĩ cũng đành phải chấp nhận lợi ích cộng đồng, từ chối mong muốn của người sắp về thế giới bên kia.
Bệnh nhân tử vong ở khoa nào, các bác sĩ, điều dưỡng của khoa đó phải tự mình lo liệu, đưa vào hộc lạnh lúc ấy mới được phía bên bộ phận khác đưa đi thiêu. Trước kia, bệnh nhân tử vong ở bệnh viện sẽ do bộ phận nhà tang lễ, công ty mai táng lo liệu, còn giờ thì vào hết tay nhân viên y tế.
BS Vũ chia sẻ có những điều dưỡng của anh chứng kiến bệnh nhân tử vong, trực tiếp lau rửa, thay đồ cho người bệnh họ cũng ám ảnh, bần thần mty 2,3 ngày. Có những người dù mạnh mẽ đến mấy họ cũng phải rơi nước mắt.
Đến nay, BS Vũ cho biết, áp lực dường như đã giảm được chút ít. Bệnh nhân Covid-19 nặng giảm hơn, các bệnh nhân Covid-19 kèm theo ung thư được chuyển từ Bệnh viện Ung bướu TP.HCM sang cũng theo dõi kịp.
Điều trị cho bệnh nhân ung thư mắc Covid-19, có những bệnh nhân “cũ” do mình trước đó điều trị ung thư, họ nhận ra bác sĩ Vũ qua bộ bảo hộ kín mít, qua ánh mắt của bác sĩ. Có bệnh nhân hỏi anh rằng “Bác sĩ ơi, liệu tôi có sao không?” Những câu hỏi không thể trả lời, bác sĩ chỉ động viên người bệnh cố lên rồi sẽ qua.
Những bệnh nhân Covid-19 'đặc biệt' thích trèo tường, bỏ trốn, nhảy lầu... khiến bác sĩ bối rối
Không đeo khẩu trang, không chịu nằm yên thở oxy, trèo tường bỏ trốn, nhảy lầu… là những hành vi mất kiểm soát của bệnh nhân tâm thần mắc Covid-19 khiến nhiều lần bác sĩ cũng phải thót tim.
Từ ổ dịch ở vùng xanh Long Biên, người ốm tự mua thuốc và nguy cơ bùng phát dịch
Người có biểu hiện cả tuần mà không khai báo là rất nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch. Đây là lỗ hổng nếu không sớm khắc phục sẽ rất khó sống chung với Covid-19.
K.Chi