Từ ổ dịch ở vùng xanh Long Biên, người ốm tự mua thuốc và nguy cơ bùng phát dịch
Người có biểu hiện cả tuần mà không khai báo là rất nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch. Đây là lỗ hổng nếu không sớm khắc phục sẽ rất khó sống chung với Covid-19.
Đến trưa 19/9, ổ dịch ở phường Việt Hưng (Long Biên) đã ghi nhận 12 ca mắc (ảnh minh hoạ) |
12 ca dương tính, hơn 700 trường hợp liên quan test nhanh âm tính
Liên quan đến ổ dịch tại tổ 4 Việt Hưng, Long Biên, trưa 19/9 CDC Hà Nội cho biết từ ngày 18/9 đến nay ghi nhận tổng số 12 ca bệnh.
Cụ thể, tại ngõ 22 Kim Quan, phường Việt Hưng ghi nhận 9 ca bệnh; ngách 15, ngõ 68, tổ 6, Ngọc Thụy ghi nhận 2 ca bệnh; xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm ghi nhận 1 ca bệnh làm cùng nhà máy xe lửa Gia Lâm với bệnh nhân N.K.T.
Quận Long Biên đã phong tỏa ngõ 22 Kim Quan, Việt Hưng với 58 hộ gia đình gồm 183 nhân khẩu. Đã thực hiện lấy mẫu test nhanh kháng nguyên 183/183 kết quả âm tính và lấy mẫu gộp xét nghiệm PCR.
Tạt ngách 15, ngõ 68, tổ 6 Ngọc Thụy với 64 hộ gia đình 214 nhân khẩu. Đã thực hiện lấy mẫu test nhanh kháng nguyên 214/214 kết quả âm tính và lấy mẫu gộp xét nghiệm PCR.
Các điểm liên quan đến ổ dịch là nhà máy xe lửa Gia Lâm, phường Gia Thụy đã lấy 41 mẫu người liên quan làm việc tại các bộ phận khác để xét nghiệm PCR.
Tại công ty thoát nước số 5, phường Gia Thụy đã lấy 29 mẫu những người liên quan tại các bộ phận khác xét nghiệm PCR. Công ty đã chủ động xét nghiệm test nhanh kháng nguyên cho 62 người lao động, kết quả đều âm tính.
Tại chợ Kim Quan, phường Việt Hưng đã thực hiện lấy mẫu test nhanh kháng nguyên 185/185 kết quả âm tính và lấy mẫu gộp xét nghiệm PCR.
Tại điểm tiêm chủng nhà văn hóa phường Việt Hưng đã lấy mẫu xét nghiệm PCR cho 100 người liên quan.
Tại điểm tiêm chủng Trường tiểu học Đoàn kết, phường Thach Bàn đã lấy mẫu mẫu xét nghiệm PCR cho 450 người liên quan. Thực hiện test nhanh kháng nguyên cho 97 trường hợp, kết quả đều âm tính.
Người dân phải chủ động khai báo
Không quá ngạc nhiên khi Hà Nội xuất hiện chùm ca mắc Covid-19 trong vùng xanh, PGS. TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội nói với phóng viên Infonet rằng điều này cũng đã được các cơ quan chức năng dự báo từ trước.
Ông khẳng định “không thể nhặt sạch F0 ra khỏi cộng đồng” dù Hà Nội vừa tiến hành xét nghiệm trên diện rộng.
Bởi việc vét sạch F0 ra khỏi cộng đồng gần như là điều bất khả thi. Cần xác định trong điều kiện bình thường mới, mục tiêu hàng đầu là sống an toàn với Covid-19 chứ không phải triệt tiêu hoàn toàn dịch bệnh.
Đồng tình với quan điểm này, PGS. TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng đánh giá hiện tình hình dịch bệnh tại Hà Nội vẫn đang trong tầm kiểm soát, việc bùng phát mạnh các đợt dịch Covid-19 lớn như ở phía Nam hiện nay là khó có thể xảy ra.
Việc xuất hiện các ca bệnh ngoài cộng đồng cũng tương tự như dự báo của các nhà khoa học trước đó, vi rút SARS-CoV-2 đã len lỏi trong cộng đồng. Do đó, chuyện bùng phát các chùm ca bệnh tại một nơi nào đó trong cộng đồng là chuyện tất yếu.
Tuy nhiên, PGS. TS Nguyễn Việt Hùng đặc biệt lưu ý, mọi người dân cần chủ động phòng ngừa, chủ động cách ly và thông báo sớm tới cơ sở y tế khi có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh. Qua chùm ca bệnh tại Long Biên mới được phát hiện, việc giám sát chủ động người ho sốt vô cùng quan trọng.
Bà K. (ca bệnh đầu tiên được ghi nhận tại Long Biên) có dấu hiệu ho sốt từ ngày 12/9 nhưng đến ngày 17/9, khi bệnh trở nặng được chuyển vào bệnh viện mới phát hiện dương tính SARS-CoV-2.
PGS Hùng đặt ra các tình huống: Bệnh nhân K. có biểu hiện ho sốt nhưng không thông báo với cơ quan y tế mà tự điều trị. Song song đó, người bán thuốc ho sốt cũng không đưa ra cảnh báo nào về Covid-19, vẫn bán thuốc và không thông báo kịp thời với cơ quan y tế.
Đặc biệt tại gia đình bệnh nhân, dù có người ho sốt nhưng cũng không áp dụng chặt các biện pháp cách ly dẫn tới lây nhiễm cho nhiều thành viên trong nhà. Kết quả là đến trưa nay (19/8) đã có tới 12 người liên quan dương tính với SARS- CoV-2.
“Người có biểu hiện cả tuần mà không khai báo là rất nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch. Đây là những lỗ hổng, nếu không sớm khắc phục thì sẽ rất khó khăn trong việc sống chung với Covid-19. Cần nhắc lại việc phát hiện sớm ca bệnh đầu tiên có vai trò quyết định đối với việc sớm khống chế ổ dịch", PGS Hùng nhấn mạnh.
Do đó, Phó Chủ tịch Hội kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội kiến nghị ngành Y tế Thủ đô cần truyền thông mạnh hơn nữa về việc này, cần giám sát chặt hơn nữa vì hầu hết các ca mắc mới ở cộng đồng trong thời gian qua đều ở những người có biểu hiện ho sốt.
Trả lời câu hỏi này PGS. Hùng cho rằng không nên vì ổ dịch mới mà đảo lộn lộ trình nới lỏng giãn cách tuy nhiên lộ trình cần được xây dựng chặt chẽ dựa trên đánh giá các yếu tố nguy cơ và linh hoạt theo diễn biến dịch.
Cụ thể, với các khu vực có dịch thì phải tùy thuộc vào quy mô dịch để xem xét mức độ giãn cách. Nếu chỉ vài ổ dịch thì phong tỏa ổ dịch hẹp nhất có thể. Không vì một vài ổ dịch đã phong tỏa mà giãn cách xã hội trên diện rộng toàn phường, quận/huyện hay toàn thành phố.
N. Huyền