Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh lãi suất từ hôm nay 23/9
Ngay sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nâng lãi suất đồng đô la, ngày 22/9, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Quyết định số 1606/QĐ-NHNN về lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Theo đó, NHNN quy định các mức lãi suất như sau: Lãi suất tái cấp vốn: 5,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu: 3,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài: 6,0%/năm.
Quyết định số 1606/QĐ-NHNN có hiệu lực thi hành kể từ ngày 23/9/2022 và thay thế Quyết định số 1728/QĐ-NHNN ngày 30/9/2020 của Thống đốc NHNN về lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng.
Cùng ngày, NHNN ban hành Quyết định số 1607/QĐ-NHNN về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức (trừ TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) và cá nhân tại TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định tại Thông tư số 07/2014/TT-NHNN ngày 17/3/2014.
Theo đó, mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng là 0,5%/năm; mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 5,0%/năm; riêng Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô áp dụng mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 5,5%/năm.
Quyết định số 1607/QĐ-NHNN có hiệu lực thi hành kể từ ngày 23/9/2022 và thay thế Quyết định số 1729/QĐ-NHNN ngày 30/9/2020 của Thống đốc NHNN về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức, cá nhân tại TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định tại Thông tư số 07/2014/TT-NHNN ngày 17/3/2014.
Đối với lãi suất tiền gửi bằng đồng Việt Nam có kỳ hạn của tổ chức, cá nhân tại TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phát sinh trước ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành, được thực hiện cho đến hết thời hạn; trường hợp hết thời hạn đã thỏa thuận, tổ chức, cá nhân không đến lĩnh tiền gửi, thì TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài áp dụng lãi suất đối với tiền gửi theo quy định tại Quyết định này.
Ngay sau khi FED tăng lãi suất lần thứ 3 trong năm, các ngân hàng trung ương đồng loạt có những sự điều chỉnh lãi suất đồng nội tệ để thích ứng với tình hình mới.
Theo đó, mặt bằng lãi suất trên thế giới sẽ tăng lên, nhất là lãi suất đồng USD. Đồng thời, tỉ giá tăng lên do đồng USD tăng. Ngoài ra, đối với một số quốc gia thì nghĩa vụ trả nợ cũng bị tăng lên và cuối cùng là hiện tượng dịch chuyển dòng vốn đầu tư, nhất là vốn đầu tư gián tiếp.
Theo TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia, rất may với Việt Nam cả 4 tác động này về cơ bản ở mức vừa phải và vẫn trong tầm kiểm soát. Chính vì vậy, ông Lực cho rằng Việt Nam vẫn hoàn toàn kiểm soát được lạm phát ở mức khoảng 4% trong năm nay và tỉ giá biến động xoay quanh mức 3%.
Cũng theo TS. Cấn Văn Lực, trong bối cảnh đồng tiền nhiều nước mất giá rất mạnh so với đồng USD, thì đồng tiền Việt Nam vẫn thuộc nhóm ít mất giá nhất so với khu vực và thế giới.
“Mặc dù thách thức lớn nhất trong điều hành kinh tế vĩ mô vẫn là kiểm soát lạm phát, nhưng tôi tin Việt Nam vẫn có thể kiểm soát lạm phát khoảng 4% như mục tiêu Quốc hội đề ra. Chúng ta kiên trì các giải pháp theo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng "ổn định không có nghĩa là cố định" mà theo sát mọi diễn biến để điều hành phù hợp với tình hình", TS. Cấn Văn Lực nói.
Ngân Giang