Lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại các ngân hàng biến động trái chiều
So với thời điểm cuối năm 2021, lãi suất huy động tại nhóm ngân hàng “big4” giảm nhẹ, trong khi đó, lãi suất huy động thuộc nhóm ngân hàng TMCP có vốn lớn lại có sự nhích nhẹ...
Tại ngày 6/9, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 3 tháng, 6 tháng và 12 tháng do Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank công bố lần lượt là 3,4%, 4% và 5,6%/năm.
So với thời điểm cuối năm 2021, lãi suất huy động tại nhóm “big4” giảm nhẹ lần lượt 0,1% ở các kỳ hạn 3 và 12 tháng, trong khi kỳ hạn 6 tháng không thay đổi.
Trong khi đó, lãi suất huy động thời điểm hiện tại thuộc nhóm ngân hàng TMCP có vốn lớn như Techcombank, VPBank, ACB, SHB... có sự nhỉnh hơn ở kỳ hạn 6 tháng, nhưng lãi suất cho kỳ hạn 12 tháng lại giảm.
Cụ thể, hiện Techcombank niêm yết lãi suất kỳ hạn 6 tháng ở mức 5,1%; kỳ hạn 12 tháng 5,3%, trong khi lãi suất huy động kỳ hạn 3 tháng không khác so với nhóm “big4”.
So với thời điểm đầu năm 2022, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 3 tháng tại Techcombank tăng thêm 0,55%; kỳ hạn 6 tháng tăng 2,3% và kỳ hạn 12 tháng tăng thêm 0,8%/năm.
Còn VPBank hiện niêm yết lãi suất tiết kiệm các kỳ hạn 3 tháng, 6 tháng và 12 tháng lần lượt ở mức 3,6%; 5,2% và 5,6%/năm với các khoản tiết kiệm tại quầy dưới 300 triệu đồng. So với đầu năm 2022, lãi suất huy động tại nhà băng này có sự thay đổi theo chiều hướng giảm ở cả 03 kỳ hạn (3,8%; 4,7%, và 5%/năm).
Trong số các ngân hàng TMCP quy mô lớn, hiện ACB đang niêm yết lãi suất hấp dẫn hơn khi kỳ hạn 3 tháng là 4%; kỳ hạn 6 tháng là 5,8% và kỳ hạn 12 tháng là 6,1%/năm. So với đầu năm 2022, lãi suất các kỳ hạn 3 tháng và 6 tháng lần lượt tăng thêm 0,6% và 0,9%, trong khi lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng không thay đổi.
Tại SHB, lãi suất huy động dành cho cá nhân kỳ hạn 3 tháng đang là 3,8%/năm; kỳ hạn 6 tháng là 5,4%/năm và kỳ hạn 12 tháng là 6,1%/năm. Mức lãi suất này đã tăng 0,3% đối với kỳ hạn 3 tháng, tăng 0,2% đối với kỳ hạn 6 tháng và tăng 0,4% đối với kỳ hạn 12 tháng.
Trên thực tế, các ngân hàng quốc doanh có lợi thế hơn so với ngân hàng TPCP về nguồn vốn do các ngân hàng thương mại Nhà nước có thể tận dụng nguồn vốn nhàn rỗi từ Kho bạc Nhà nước.
Chẳng hạn tại BIDV, nguồn tiền gửi dồi dào từ KBNN tăng 33 nghìn tỷ đồng trong quý 2/2022 (tăng 90% so với quý 1) đã giúp giảm bớt áp lực huy động vốn từ khách hàng, trong khi đó tiền gửi của khách hàng chỉ tăng 10 nghìn tỷ đồng (tăng 0,7% so với quý trước).
Thanh khoản toàn hệ thống chịu áp lực vào đầu quý 2/2022 nhưng áp lực tăng lãi suất tiền gửi đã dần giảm bớt trong tháng 5 và tháng 6, do các ngân hàng trong nửa đầu năm 2022 đã sử dụng gần như hết hạn mức tăng trưởng tín dụng được cấp. Do đó, lãi suất liên ngân hàng kì hạn qua đêm đã bình thường trở lại, xuống dưới 1% và một số ngân hàng thậm chí còn hạ lãi suất đối với các khoản tiền gửi có giá trị nhỏ vào cuối tháng 6.
Hiền Anh
Từ hôm nay 1/8, rút tiết kiệm trước hạn vẫn được hưởng lãi, ngân hàng nào đã thực hiện?
Từ hôm nay 1/8/2022, người dân gửi tiền vào ngân hàng nếu rút tiết kiệm trước 1 phần hoặc rút toàn bộ tiền gửi trước hạn vẫn được hưởng lãi suất và hiện một số ngân hàng đã thực hiện quy định này.