Nhảy cầu tự tử trùng hợp mùa World Cup 2022: Nguyên nhân có phải do trò đỏ đen?
Cụ thể, gần đây nhất vào khoảng 21h30 ngày 21/11, một nam thanh niên đi xe máy trên đường Đinh Bộ Lĩnh hướng từ Quận Bình Thạnh đi Thủ Đức (TP.HCM). Khi đến giữa cầu Bình Triệu người này bất ngờ bỏ lại tài sản rồi trèo qua lan can, nhảy xuống sông Sài Gòn.
Cũng trong chiều hôm đó, một người phụ nữ ngoài 60 tuổi cũng mất tích sau khi bỏ lại xe máy trên cầu Sài Gòn rồi nhảy xuống sông Sài Gòn.
Tại Hà Nội, vào hồi 20h ngày 14/11, Đ.T.N (sinh năm 1991 ở xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội) cũng nhảy cầu tự tử tại đầu cầu Chương Dương. Trước khi nhảy, thanh niên này để lại trên cầu 1 chiếc xe đạp, 1 chiếc điện thoại và 1 đôi dép.
Ngay lập tức, lực lượng chức năng đã đến hiện trường tổ chức cứu nạn. Sau khi cứu vớt, sơ cứu cho nạn nhân, lực lượng cứu hộ dùng xe cứu thương đưa nam thanh niên vào BV Trung ương Quân đội 108, đồng thời liên hệ người nhà đến tiếp nhận người thân.
Đáng lưu ý, những vụ nhảy cầu xảy ra liên tiếp trùng với thời điểm diễn ra World Cup 2022 khiến nhiều người phỏng đoán nạn nhân có liên quan đến trò đỏ đen trong bóng đá.
Trao đổi với PV Infonet vấn đề này, TS. BS Trần Thị Hồng Thu - PGĐ kiêm Trưởng khoa Lâm sàng Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương nhận định rằng khả năng những trường hợp này đều có dấu hiệu trầm cảm sẵn từ trước.
TS. BS Hồng Thu cho hay: “Người có sức khoẻ tâm thần bình thường không ai đi nhảy cầu kết liễu cuộc đời của mình cả. Họ đã có dấu hiệu trầm cảm từ lâu mà không được phát hiện, điều trị kịp thời.
Tôi cho rằng, bản chất những trường hợp nhảy cầu là đã có những dấu hiệu trầm cảm trước đó, khi gặp thất bại, cú sốc lớn mới dẫn đến hành vi kết thúc cuộc đời”.
Trả lời câu hỏi làm cách nào để ngăn những vụ tự tử tương tự xảy ra, TS. BS Hồng Thu cho rằng chỉ có cách là phát hiện sớm những dấu hiệu trầm cảm.
"Trong cộng đồng hiện nay có vấn đề rất đáng lo ngại là nhiều người bị trầm cảm nhưng không được phát hiện. Nguyên nhân đầu tiên từ phía bản thân những người bệnh vẫn đi làm bình thường nên họ nghĩ những cơn bực bội, cáu gắt, stress là bình thường, không cần đi chữa, không phải bệnh tâm thần.
Nguyên nhân khác là do xã hội vẫn kỳ thị người bệnh tâm thần nên nhiều người từ chối đi khám, người ta phủ nhận mình mắc bệnh.
Do đó, điều cần thiết nhất lúc này theo tôi là những người có dấu hiệu trầm cảm phải đi khám, phải được phát hiện sớm để có phương án điều trị kịp thời”, TS. BS Hồng Thu cho hay.
Theo vị chuyên gia này thì người mắc bệnh trầm cảm trước đấy thường trầm uất một thời gian, có suy nghĩ tiêu cực, hay cáu kỉnh, năng suất làm việc giảm xuống, mất ngủ.
“Để giải quyết tình trạng này, việc đầu tiên cần làm là điều trị tốt giấc ngủ. Người vốn có dấu hiệu trầm cảm, giờ lại thức khuya xem bóng đá, kết hợp thua độ thì stress càng tăng lên, nguy cơ tự tử có thể xảy ra”, TS. BS Hồng Thu cảnh báo.
TS. BS Hồng Thu cho biết bản thân đã gặp nhiều trường hợp trầm cảm nhưng không điều trị, chỉ đến khi các dấu hiệu trầm trọng rõ rệt (mất kết nối với mọi người xung quanh, tìm cách tự sát) mới được người nhà đưa đến viện, gây khó khăn trong quá trình điều trị.
Đó là tình trạng trầm cảm nói chung, còn trầm cảm có nguyên nhân từ bóng đá hay không thì chưa có khảo sát.
N. Huyền