Người trẻ xương đã 'lắt léo' vì cân nặng quá khổ
Chị Lệ cho biết khi thanh niên chị cao 1, 6 mét, nặng 51 kg nhưng sau khi kết hôn và sinh hai con liên tiếp thì cân nặng của chị Lệ đã lên tới mức 80 kg. Vì cân quá nặng, người béo nên mọi việc của chị Lệ đều trì trệ.
Trước đó chị cho rằng sống chung với béo phì cũng được nhưng khoảng 1 năm trở lại đây chị Lệ bắt đầu bị đau hai đầu gối và mắt cá chân. Việc đi lại của chị khó khăn, mỗi lần đi lại phải ngồi lên xe đạp để bớt đau. Chị cảm giác xương khớp của mình lúc nào cũng lắt léo, rệu rã.
Bác sĩ cho rằng chị cần giảm cân để giảm trọng lực cả cơ thể lên xương khớp ở chân nhưng mọi nỗ lực giảm cân đều không thành. Cuối cùng,bà mẹ này đành phải nhờ tới can thiệp hỗ trợ thu nhỏ dạ dày với hi vọng giảm cân.
Trường hợp của Trần Đức Thụy (trú tại Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng tương tự. Thụy 21 tuổi nhưng nặng 105 kg. Vì quá nặng nên gần 1 năm nay xương khớp của cậu đau liên tục nhất là xương gối và cổ chân và cả thắt lưng. Nguyên nhân của tình trạng này là vì quá béo.
Theo báo cáo của Bộ Y Tế Việt Nam, có đến khoảng 25% dân số nước ta bị thừa cân, béo phì. Không chỉ có nguy cơ cao mắc các bệnh tim mạch, đái tháo đường, cao huyết áp… người bị béo phì còn phải đối mặt với các chứng bệnh xương khớp nghiêm trọng.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Diễm Hương – BV Đại học Y Dược TP.HCM, đến nay béo phì được coi là bệnh tật. Béo phì là một đại dịch toàn cầu đã được công nhận. Ước tính của WHO từ năm 2008 chỉ ra rằng hơn 1,4 tỷ người trưởng thành bị thừa cân và trong số này, hơn 200 triệu nam giới và 300 triệu phụ nữ bị béo phì.
Xu hướng đáng lo ngại: trong 30 năm qua, tỷ lệ béo phì trên toàn thế giới đã tăng hơn gấp đôi.
Béo phì không chỉ là nguyên nhân của các bệnh chuyển hóa, ung thư, tim mạch mà béo phì còn ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của viêm khớp. BS Hương cho biết béo phì tác động lên cả cột sống, lên hệ thống các khớp. Người càng béo càng nhiều bệnh.
Béo phì áp lực lên khớp: Béo phì làm tăng sức căng trên các khớp chịu trọng lượng (chỉ thừa cân 5 kg sẽ gây thêm áp lực lên đầu gối từ 15 đến 50 pound) do đó những người thừa cân và béo phì có nguy cơ bị bệnh lý khớp gối cao hơn đáng kể.
Mỡ thừa còn thúc đẩy nhanh quá trình phá hủy sụn, điều này làm cho bạn có nhiều khả năng bị viêm xương khớp (OA) hoặc làm cho bệnh trở nên tồi tệ hơn nếu đã mắc bệnh.
Người béo phì dễ mắc viêm khớp. Theo bác sĩ Hương chất béo hoạt động hóa học và liên tục “kích hoạt” giải phóng các protein gây viêm: Leptin, một adipokine thường tăng cao trong bệnh béo phì có liên quan đến tình trạng viêm và thoái hóa sụn có thể tham gia vào sinh lý bệnh viêm khớp ở mức độ cục bộ và toàn thân.
Viêm khớp tay phổ biến ở những người béo phì gấp đôi so với những người gầy hơn. Béo phì cũng làm tăng khả năng một khi bị viêm ở một khớp, bạn sẽ phát triển bệnh ở nơi khác. Ví dụ, những người béo phì bị viêm khớp ở một đầu gối, có nguy cơ bị viêm khớp gối ở đầu gối còn lại cao gấp 5 lần so với những người cân nặng khỏe mạnh.
Viêm khớp tiến triển nhanh hơn và trầm trọng hơn ở những người béo phì so với những người nhẹ cân hơn. Những người thừa cân hoặc béo phì có nhiều khả năng cần thay khớp háng hoặc khớp gối. Họ cũng có xu hướng có nhiều biến chứng hơn và kết quả kém hơn sau khi phẫu thuật.
So với những người có cân nặng bình thường bị viêm khớp, những người béo phì bị viêm khớp phải dùng nhiều thuốc hơn, đi bộ chậm hơn, ít hoạt động thể chất hơn và có nguy cơ bị tàn tật cao hơn.
Điều trị viêm khớp hiện tại còn hạn chế, phần lớn chỉ giới hạn trong việc kiểm soát triệu chứng hoặc thay thế toàn bộ khớp nếu chức năng khớp bị tổn thương nghiêm trọng. Việc duy trì cân nặng hợp lý sẽ góp phần vào hiệu quả điều trị bệnh viêm xương khớp.
Những người béo phì thường được bác sĩ khuyến cáo phải giảm cân để giảm viêm khớp. BS Hương cho rằng giảm cân đã được chứng minh là có thể cải thiện cả cơn đau và chức năng ở những đối tượng béo phì bị viêm khớp gối. Giảm cân ở những đối tượng béo phì cũng có thể mang lại lợi ích thay đổi cấu trúc có thể cải thiện chất lượng sụn và số lượng sụn của khớp.
Phương Thúy