Sự thật uống nước dừa lúc mang thai con sinh ra trắng trẻo
Chị Lê Thị Thanh Hà (34 tuổi, trú tại Hà Nội) cho biết chị mang thai 32 tuần. Khi đi siêu âm bác sĩ cho biết thai nhi nhỏ, có hiện tượng thiểu ối. Ối chỉ đạt 40 mm. Chị Hà lên hội nhóm hỏi kinh nghiệm của các mẹ đều được mách uống nước dừa, nước mía.
Theo lý giải của các bà mẹ thì nước uống nhiều đường sẽ làm tăng nước ối. Đến tuần thứ 34 chị Hà thấy chân phù, đi kiểm tra lại lần nữa bác sĩ phát hiện đường huyết quá cao.
Sau đó, chị Hà được giới thiệu vào BV Nội tiết Trung ương để tiêm insulin, theo dõi đường huyết thai kỳ. Bản thân chị Hà vô cùng lo lắng nước ối chưa tăng nhưng ngày uống 4 quả dừa, 2 túi nước mía đã làm đường huyết tăng vọt.
Theo PGS Nguyễn Duy Ánh – Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, ông đã từng cấp cứu nhiều sản phụ vì uống quá nhiều nước dừa.
Bác sĩ Ánh cho biết trong dân gian quan niệm nước dừa có thể giúp em bé trắng, xinh xắn, nước dừa tốt cho ối nên uống rất nhiều.
Thậm chí có sản phụ đi siêu âm bác sĩ báo thiểu ối là về uống ngày 5 – 6 quả dừa với suy nghĩ uống nhiều ối sẽ lên. Uống tới mức dư nước, người mệt lả vì nước dừa.
BS Ánh cho rằng nước dừa cũng chỉ là thứ đồ uống như nhiều loại khác. Nước dừa được sử dụng nhiều vì an toàn cho bà bầu nhưng không phải vì thế mà bạn uống quá nhiều.
Theo thạc sĩ, bác sĩ Phan Chí Thành – Chánh văn phòng Trung tâm Đào tạo, BV Phụ sản Trung ương, so với nhiều thực phẩm khác thì nước dừa được xem là thực phẩm sạch, an toàn và giàu dinh dưỡng. Nước dừa tốt cho bà bầu và nhiều người mệt mỏi khác.
Nhưng quan niệm bà bầu uống nhiều nước dừa để cho con trắng trẻo, xinh xắn là không đúng. Đến nay chưa có nghiên cứu nào cho rằng việc uống nước dừa có thể khiến đứa trẻ dễ thương hơn.
Thậm chí, uống nhiều nước dừa còn có hại. Thạc sĩ Thành cho biết uống nhiều nước dừa còn gây ra dư ối, đa ối, thậm chí tăng khả năng dọa sinh non.
Bởi vì, trong nước dừa có chứa các dưỡng chất như vitamin A, canxi, kali, clorua, đường. Trong thực tế, lượng kali có trong nước dừa gấp 2 lần lượng kali có trong chuối. Điều này giúp cân bằng sức khỏe cơ bắp, tim mạch, hệ thần kinh và hệ miễn dịch, cũng như hấp thụ và cân bằng các chất lỏng bên trong của cơ thể.
Khi uống nước dừa, mẹ bầu cần lưu ý không dùng nước dừa cùng với nhiều thực phẩm chứa đường và tinh bột như các loại chè dừa, thạch dừa. Mẹ bầu không nên uống nước dừa lúc ăn no, ăn nhiều đồ ngọt.
Ngoài ra, bác sĩ cũng lưu ý nước dừa tốt cho phụ nữ mang thai được đề cập là nước dừa tươi, được lấy và uống ngay từ trái dừa. Các loại nước dừa đóng chai thường các nhà sản xuất sẽ thêm chất tạo ngọt, chất bảo quản,... có thể gây tăng cân hoặc gây tiểu đường cho phụ nữ mang thai. Vì thế nên tránh uống nhiều nước dừa chế biến sẵn hoặc sử dụng lượng đường quá nhiều.
Tốt nhất nên uống nước dừa khi đói hoặc trước bữa ăn 30 phút. Khi uống nên chia làm nhiều bữa nhỏ, không nên uống nhiều dừa cùng lúc.
Không uống nước dừa vào buổi tối vì đây là thời gian các cơ quan nội tạng thải độc, nước dừa lại khá lợi tiểu nên nếu uống vào thời gian này, nó sẽ tạo áp lực lên gan, thận và mật của bạn, khiến chúng phải hoạt động nhiều hơn, bạn cũng sẽ không được ngủ ngon vì phải thức dậy đi tiểu nhiều.
Đặc biệt, bác sĩ Thành cho biết mẹ bầu cần tư vấn thêm của bác sĩ trong thai kỳ để đánh giá nguy cơ đái tháo đường thai kỳ và sử dụng thực phẩm cân bằng, đa dạng.
Bạn không nên thiên về một thực phẩm, một nhóm thức ăn nào đó vì nó tốt mà quên các nhóm chất cần thiết khác.
Khánh Chi