Người tiêu dùng Việt lo lắng vì mì tôm chứa ethylene oxide
Mới đây Đài Loan phát hiện lô mì ăn liền Omachi có chất cấm ethylene oxide nhập từ Việt Nam và phải tiêu hủy. Đây không phải là lần đầu tiên mì tôm của Việt Nam bị “tuýt còi” vì chất này.
Trước đó, tại các nước ở Châu Âu như Đức, Ba Lan, Malta gửi cảnh báo, thu hồi hoặc trả lại sản phẩm do vi phạm quy định an toàn thực phẩm của Liên minh châu Âu (EU) về sản phẩm mì ăn liền hương vị gà, mì ăn liền hương vị cà ri của Công ty cổ phần thực phẩm Á Châu (thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương).
Tháng 8/2021, một số lô hàng mì ăn liền của Việt Nam bị cảnh báo thu hồi do chứa EO tại nhiều nước châu Âu như Thụy Sĩ, Na Uy, Anh, các nước EU.
Sau vụ việc nêu trên, ngày 15/12/ 2021, EU đã ban hành quy định (EU) 2021/2246 điều chỉnh thực thi quy định (EU) 2019/1973 về việc tạm thời gia tăng các biện pháp kiểm soát chính thức một số hàng hóa nhập khẩu vào EU từ một số nước thứ ba, với tần suất kiểm tra ngẫu nhiên là 20%.
Người tiêu dùng Việt lo lắng vì mì tôm chứa ethylene oxide |
Theo một lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế, dù đơn vị này chủ trì xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí và ngưỡng EO tại Việt Nam nhưng mỗi bộ ngành xây dựng cho nhóm sản phẩm riêng.
Với mì gói và các sản phẩm mì, miến, phở (thực phẩm khô) thuộc Bộ Công thương quản lý nên sẽ xây dựng tiêu chí ngưỡng EO với các sản phẩm này.
Trước thông tin các sản phẩm của Việt Nam tiếp tục bị cảnh báo, Bộ Công thương chỉ đạo các đơn vị chức năng tiếp tục đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm chế biến bột nâng cao các biện pháp kiểm soát an toàn thực phẩm, vượt qua rào cản kỹ thuật và các biện pháp phòng vệ thương mại.
Tuy nhiên, Bộ Công thương cho hay ngưỡng giới hạn cho phép chưa được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực an toàn thực phẩm của Việt Nam.
Anh Nguyễn Văn Việt ( Hà Đông - Hà Nội) cho rằng sản phẩm mì tôm khá thông dụng mà các gia đình vẫn dùng. Khi đọc báo về thông tin có chất cấm anh lo lắng nhưng lại càng hoang mang hơn khi biết rằng chất ethylene oxide ở Việt Nam chưa có quy chuẩn gì cho nó.
Anh Việt băn khoăn cách quản lý an toàn thực phẩm và bảo vệ người tiêu dùng Việt có bị bỏ sót hay không và đây là nguyên nhân khiên bệnh ung thư ngày càng gia tăng hay không?
Còn anh Nguyễn Khoa (TP.HCM) cho rằng cái "chuẩn" trong từng hàng hóa tiêu dùng liên quan đến lương thực, thực phẩm ở Việt Nam ra sao và đơn vị quản lý nó người tiêu dùng đều không biết.
Hiện sản phẩm gặp rắc rối chưa tìm được cơ quan nào để mà chịu trách nhiệm khi có sự cố xảy ra liên quan đến sức khoẻ, tính mạng người tiêu dùng. Từ chai nước mắm, nước tương đến bó rau, quả... bán ở chợ người dân mua về chế biến luôn tiềm ẩn mối nguy về hóa chất, thuốc tăng trưởng, trừ sâu... từ người sản xuất và người tiêu dùng cứ vô tư "ăn để mà sống" chứ không biết chất lượng của nó đã an toàn hay chưa?
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, Trường đại học Bách khoa Hà Nội) ethylene oxide (EO) là chất không dùng trong thực phẩm bởi đây không phải là chất phụ gia. Các nhà sản xuất thường sử dụng chất EO trong khử trùng sản phẩm.
EO có tác dụng khử trùng rất tốt, thường để diệt các loại vi khuẩn gây ẩm mốc và khử trùng triệt để các dụng cụ y tế. Tuy nhiên, trong quá trình khử trùng sẽ có thể còn tồn dư lại một lượng EO.
Tuy nhiên, EO là chất độc và có ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng hiện nay các nhà khoa học chưa có nghiên cứu hàm lượng EO bao nhiêu thì ảnh hưởng tới sức khỏe.
Nhưng theo các nhà y học, nếu chất EO tích lũy dần trong cơ thể con người, tùy theo từng thể trạng (người già, người trẻ, phụ nữ...) sẽ gây ảnh hưởng đến gan, thận..
Trong khi đó ở Việt Nam chưa có quy định rõ ràng cho chất này, PGS Thịnh cho rằng với các loại chất độc, chất có ảnh hưởng đến sức khỏe thì nên có quy định về kiểm soát định lượng để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.
Khánh Chi