Người mẹ đi khắp nơi gõ cửa nhờ cứu con bị bắt cóc
Những người phụ nữ ở Mèo Vạc luôn ám ảnh về nạn buôn người. ảnh minh họa |
Chúng tôi gặp chị Giàng Thị Nh huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang tại Bệnh viện đa khoa Huyện Mèo Vạc khi chị đưa con của mình xuống bệnh viện khám.
Chị Nh kể về 11 tháng qua sống trong thấp thỏm tìm được con về. Con trai út của chị hơn 2 tuổi bị bắt cóc từ lúc 11 tháng và phải đến 11 tháng sau cháu mới được các lực lượng chức năng giải cứu. Cuối năm 2015, chị đón ba người hai phụ nữ và một người đàn ông đến nhà chơi, cho quà và bảo chị Nh có muốn đi làm kiếm tiền không. Họ nói chị Nh có thể sang Trung Quốc hái chè, lương mỗi tháng 6 triệu đồng, mang cả con bé đi cũng được. Chồng chị Nh còn bận đi làm rẫy nên chị Nh đề nghị phải hỏi ý kiến chồng mới trả lời. Thấy chồng đồng ý cho đi, chị khăn gói và địu theo con trai lên đường với hi vọng đi một năm sẽ có khoản tiền mang về cho chồng con.
Chị Nh được đưa xuống Hà Nội. Khi xuống đến nơi họ tách hai mẹ con chị ra và không cho chị gặp con trai. Chị Nh la hét khóc toáng lên đòi gặp con và đòi về thì chúng nói đã gửi con chị về bản, chị không được về. Nhưng chị vẫn cứ khóc lóc và đòi về nên bọn chúng thuê taxi đưa chị ra bến xe để về nhà.
Theo nguồn tin từ Công an tỉnh Hà Giang, tội phạm buôn bán người ở biên giới Hà Giang vẫn đang có những hoạt động rất phức tạp, nguy hiểm. Tính chất và hệ lụy của nó tác động, ảnh hưởng xấu đến mọi mặt đời sống xã hội. Những nỗi ám ảnh, tổn thương về tinh thần, thương tích trên thể xác của các nạn nhân là nỗi nhức nhối. Vì thế phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em không chỉ là nhiệm vụ của cơ quan chức năng, mà còn là của toàn xã hội. Mỗi người dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc vùng cao biên giới cần nâng cao cảnh giác, tỉnh táo nhận diện những thủ đoạn mới của đối tượng lừa đảo, buôn bán phụ nữ, trẻ em.