Người già cô đơn đối diện với nhiều nguy cơ về sức khỏe và tinh thần
Khổ sở vì nghi ngờ con cháu
Anh Nguyễn Thế Hải (trú Nam Từ Liêm, Hà Nội) tâm sự mỗi lần anh tới thăm mẹ lại thêm đau xót vì bà sống cô đơn, ngại giao tiếp với mọi người. Anh Hải cho biết mẹ anh sống một mình tại nhà cũ, con cháu ra ở riêng bà không ở cùng ai. Sống một mình lại ít có mối quan hệ, bà chỉ có niềm vui trồng vài chậu cây ở sân thượng. Khoảng 3 năm nay do dịch bệnh, con cái bận rộn ít tới thăm hơn mẹ anh có sự thay đổi tâm lý rất lớn. Bà bị chứng ảo tưởng.
Mỗi lần con cái tới thăm bà lại nghi ngờ con cháu tới để “đầu độc” mẹ. Cùng với đó, bà cũng không chơi cùng hàng xóm, láng giềng mà suốt ngày cửa đóng then cài. Mỗi lần con cháu tới phải gọi và đập cửa bà mới ra mở. Nói chuyện với con cháu bà rất vui vẻ như người bình thường nhưng khi mọi người về hết chỉ còn một mình thì bà lại hoang tưởng, ảo giác nghĩ ra đủ thứ rồi bắt đầu gọi điện mắng con cháu không quan tâm, mang đồ ăn thiu thối tới cho mẹ.
Thấy mẹ cô đơn nhưng cho cháu ở cùng bà không đồng ý. Bà sợ cháu đến làm hại mình. Anh Hải vô cùng khó xử không biết đưa mẹ đến đâu khám, kiểm tra sức khoẻ. Bây giờ đưa bà đi khám, bà còn quay lại mắng con.
Ông Đỗ Văn Thái (81 tuổi, ngụ tại Chí Linh, Hải Dương) được con cái đưa lên BV Việt Đức khám vì chân đau không bước được. Suốt 1 năm qua, ông Thái không “chơi” với ai vì sợ mắc bệnh. Con cái ở xa thi thoảng mới về thăm. Sức khoẻ của ông đi xuống cũng chẳng ai biết. Khi vào viện, bác sĩ cho biết ông phải cưa chân trong sự ngỡ ngàng của cả gia đình. Ông bị chứng bệnh tắc mạch chân. Ông Thái nghĩ rằng đó là bệnh xương khớp thông thường. Sống một mình nên đau chân ông ở nhà không nói chuyện với ai. Khi con cái về thấy ông đau cả đêm không ngủ mới cho đi viện thì đã muộn.
Vẫn tăng cường mối quan hệ xã hội
Theo GS Lê Đức Hinh – nguyên trưởng khoa Thần Kinh, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội từ xa xưa người ta đã thấy rằng con người duy trì mối quan hệ xã hội của cá nhân với mạng lưới thì họ sẽ có các sợi dây kết nối nhiều hơn tốt cho cả tinh thần và sức khoẻ. Mỗi quan hệ, giao tiếp xã hội giữa các thành viên trong gia đình, cá nhân với xã hội, bạn bè, đối tác, các nhóm tôn giáo cũng là một kênh giao tiếp tốt giúp họ sống vui vẻ hơn, ít cô đơn thì sống khoẻ hơn.
Theo GS Hinh, với người cao tuổi có nhiều mối dây liên lạc xã hội dường như ít bị suy giảm khả năng cơ thể và nhận thức hơn.
Người ta thấy rằng những người già có mạng lưới quan hệ xã hội rộng lớn và họ thường xuyên giao tiếp với các thành viên trong mạng lưới đó thì suy giảm chức năng sẽ chậm hơn và sống lâu hơn. Những người có cuộc sống cô đơn, cách biệt với cộng đồng là yếu tố nguy cơ dễ gây tử vong vì vậy với người cao tuổi vẫn cần duy trì mối quan hệ trong mạng lưới của mình.
Tuy nhiên, ở người cao tuổi có hạn chế như sức khỏe giảm làm giảm bớt tiếp xúc và quan hệ xã hội. Mặt khác sự gia tăng bệnh mạn tính gây giảm chức năng hoạt động làm cho bản thân người cao tuổi ngày càng nhận thấy mặt hạn chế của thể lực hoặc nhận thức, mất đi các vị trí có ý nghĩa trong xã hội, mạng lưới quan hệ với họ hàng bè bạn dần thu hẹp.
Từ xa xưa người ta vẫn nói “trẻ vui nhà, già vui chùa”, người già nên duy trì mối quan hệ đó. Con cái cần thường xuyên động viên cha mẹ của mình tham gia các mạng lưới của họ để tích cực giao tiếp, duy trì mối quan hệ. Nếu mối quan hệ cũng “lão hoá” theo tuổi tác thì sức khoẻ sẽ không tốt.
Khi giao tiếp xã hội rộng mở, người già sẽ được hỗ trợ nhiều hơn về vật chất, về tâm lý và cả các vấn đề an sinh xã hội. Sự hỗ trợ đánh giá nhằm giúp cho cá nhân tự nhận định bản thân trong các tình huống đã trải qua. Như vậy các mặt hỗ trợ trên đều có tác động hữu ích cho trạng thái tâm lý cũng như hoạt động cơ thể và chức năng nhận thức ở người cao tuổi.
Khánh Chi