Người cao tuổi Lai Châu làm gương sáng trong sản xuất kinh tế giỏi
Hội Người cao tuổi có 33.299 hội viên. Hội Người cao tuổi tỉnh Lai Châu đã tập trung chỉ đạo các cấp hội đẩy mạnh các chi hội đẩy mạnh phát huy vai trò của người cao tuổi ở các địa phương để phát triển kinh tế như chế biến chè, trồng và bảo vệ rừng, khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương kinh doanh thương mại dịch vụ, sản xuất trang trại, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.
Người cao tuổi Lai Châu cũng tích cực tham gia chương trình xây dựng Nông thôn mới ở các cấp hội. Người cao tuổi còn giúp nhau về cây, con giống để hỗ trợ nhau sản xuất kinh doanh. Nhiều hội viên người cao tuổi đã chủ động đầu tư xây dựng phát triển kinh tế như tiểu thủ công nghiệp, sản xuất công nghiệp vừa góp phần phát triển kinh tế vừa tạo công ăn việc làm cho các hội viên khác.
Điển hình như trường hợp của ông Trần Văn Hồng – là thành viên làm kinh tế giỏi của Hội Người cao tuổi thành phố Lai Châu. Ông Hồng làm chủ công ty có doanh thu hoàng chục tỷ đồng mỗi năm, tạo công ăn việc làm cho hàng chục công nhân tại địa phương.
Những năm qua, ông Hồng tích cực tham gia công tác nhân đạo, đền ơn đáp nghĩa do các cấp hội người cao tuổi kêu gọi.
Ông Hồng cho biết bản thân ông bước vào thương trường khi tuổi cao nhưng khi còn sức khỏe, ông Hồng còn phải làm việc.
Bà Đặng Thị Huệ - TP Lai Châu khi tuổi trẻ vất vả mưu sinh, lúc về già bà đã dùng chút vốn của mình mở trung tâm mua sắm tại huyện Mường Tè. Với tâm lý còn sức khỏe còn làm việc, bà Huệ không muốn phụ thuộc con cháu. Bà Huệ còn truyền cảm hứng cho nhiều người cao tuổi còn sức còn sản xuất để cùng nhau làm giàu cho vùng dân biên giới.
Bà Huệ cho biết bản thân bà đã từng buôn bán tất cả mặt hàng từ làm kem, buôn bán vật liệu xây dựng. Khi phát triển kinh tế ở tuổi già, bà thấy mình có ích hơn, sức khỏe cũng tốt hơn, tuổi già không lo đói nghèo.
Bà Hồ Thị Lan – Hội viện hội Người cao tuổi xã Hồ Thầu, Tam Đường, Lai Châu cũng tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng để tăng năng suất làm việc. Trong những năm qua, bà Lan đã chuyển đổi trồng cây nông nghiệp như ngô, sắn sang trồng cây chanh leo. Không chỉ trồng riêng gia đình mình, bà Lan còn vận động nhiều hội viên chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây chanh leo.
Khi trồng chanh leo công ty đến tận vườn thu mua với giá 20 nghìn đồng/kg tăng cao hơn rất nhiều so với trồng ngô trước đây.
Khi phát triển kinh tế nông nghiệp, đa phần người dân trồng theo hướng tự cung tự cấp nên việc thay đổi tư duy trồng cây theo hướng nông nghiệp hàng hóa đã mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Phong trào sản xuất kinh doanh giỏi của người cao tuổi đã góp phần quan trọng vào thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, tạo động lực thúc đẩy việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp-xây dựng-dịch vụ giảm dần tỷ trọng nông nghiệp. Phong trào đã tác động tích cực đến cán bộ, hội viên người cao tuổi tham gia xây dựng củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở. Theo Hội người Cao tuổi tỉnh Lai Châu hiện toàn tỉnh có trên 1.200 người cao tuổi làm kinh tế giỏi các cấp, trong đó có 100 người cao tuổi làm chủ trang trại, 750 người cao tuổi làm chủ doanh nghiệp, 27 người cao tuổi làm giám đốc hợp tác xã.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, các cấp hội người cao tuổi Lai Châu còn tích cực tham gia cuộc vận động toàn dân xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, gia đình văn hóa,tham gia công tác hòa giải, khuyến học khuyến tài, xây dựng dân chủ ở cơ sở, xây dựng quy ước, hương ước khu dân cư góp phần xây dựng khối đại đoàn kết vững chắc ở cộng đồng.
Khánh Chi