Ngực người phụ nữ trẻ cứng ngắc, chỉ trực nổ tung sau tiêm filler
Bà mẹ 2 con đã bỏ ra hơn 20 triệu đồng để nâng ngực bằng tiêm filler. Tuy nhiên, đẹp đâu không thấy, chị phải vào viện xử lý với bầu ngực căng đỏ, cứng ngắc, một bên đã có dấu hiệu hoại tử sắp vỡ.
Sau khi nghe những lời giới thiệu đường mật, chị Lan (38 tuổi, Hà Nội) quyết định bỏ ra hơn 20 triệu để nâng ngực bằng tiêm chất làm đầy filler.
Mới tiêm về, người mẹ 2 con này cũng cảm thấy sự khác biệt, cải thiện đôi chút nhưng chỉ sau một tháng, ngực chị bắt đầu có dấu hiệu bất thường đau và cương lên.
Từ đó chị liên tục phải dùng kháng sinh, vì cứ dừng thuốc ngực lại sưng to, đau.
Trước khi nhập viện khoảng 1 tháng, tình trạng cương đau càng nặng lên. Ngực lúc nào cũng cảm giác muốn nổ tung, chỉ cần chạm nhẹ là đau tức không chịu nổi, người phụ nữ đến khám tại khoa Phẫu thuật tạo hình và Thẩm mỹ, Bệnh viện Bưu Điện.
ThS.BS Hoàng Mạnh Ninh, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình và Thẩm mỹ, cho biết bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hai bên bầu vú bị cương cứng, vú bên trái đã có dấu hiệu hoại tử chuẩn bị vỡ, vú bên phải bắt đầu có dấu hiệu hoại tử da. Vú không tròn mà thay đổi biến dạng cứng ngắc, da vùng này cũng mỏng dính, đỏ rực.
Bệnh nhân này cho biết đã tiêm chất làm đầy nhưng không biết rõ nguồn gốc cách đây 5 tháng.
“Kết quả chụp MRI ngực, thăm khám cho thấy bệnh nhân bị áp xe, hoại tử mô vú 2 bên. Vì vú bệnh nhân bị áp xe nên buộc bác sĩ phải can thiệp, phải tháo rạch chích mủ để làm sạch tổ chức, loại bỏ ổ viêm, hoại tử”, BS Ninh cho biết.
Chiều 27/9, bệnh nhân đã được mổ xử lý tổn thương. Ca can thiệp kéo dài hơn một giờ đồng hồ. Sau mổ, bệnh nhân được chỉ định dùng kháng sinh theo phác đồ điều trị, hàng ngày thay băng.
BS Ninh cho biết, bệnh nhân sẽ được tiếp tục theo dõi tại bệnh viện. Tuy nhiên, với những trường hợp bị biến chứng do tiêm filler thường cần phải theo dõi một thời gian dài mới có thể ổn định, nhiều trường hợp đôi khi bị tái đi tái lại.
Chia sẻ với phóng viên, TS. BS Vũ Thái Hà, Trưởng khoa Nghiên cứu & Ứng dụng công nghệ tế bào gốc cho biết thêm, tiêm chất làm đầy (filler) vẫn đứng hàng thứ hai trong các thủ thuật thẩm mỹ vì sự thuận tiện, vì thời gian nghỉ không có. Trong khi đó kết quả thấy ngay và đặc biệt là hiện nay chất làm đầy chủ yếu là HA có thuốc để giải.
Tuy nhiên hiện nay, sự xuất hiện tràn lan các dịch vụ tiêm ở khắp nơi, người tiêm chưa học về kỹ thuật tiêm nhất là còn chưa học y một phút nào, sự tin tưởng mù quáng của khách hàng làm cho tỷ lệ tai biến ở Việt Nam quá nhiều.
Bổ sung thêm, TS. BS Hoàng Thanh Tuấn, Phó Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và tái tạo, Viện Bỏng Quốc gia cho biết, trong phẫu thuật nói chung và phẫu thuật thẩm mỹ nói riêng, chỉ cần lơ là một chút là tai biến luôn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Thế nhưng trên thực tế hiện nay các thẩm mỹ viện chui không đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị mọc lên tràn lan. Các "bác sĩ tay ngang" nhiều vô số kể.
“Với các chiêu trò marketing đánh vào tâm lý muốn làm đẹp nhanh, không đau, giá rẻ của người dân. Bên cạnh đó là sự cả tin, thiếu hiểu biết của người dân là lý do khiến cho tai biến trong phẫu thuật thẩm mỹ ngày càng gia tăng”, TS. BS Hoàng Thanh Tuấn ái ngại.
Để tránh những rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra khi đi làm đẹp, TS. BS Hoàng Thanh Tuấn cho rằng, người dân không nên quá tin tưởng vào những lời quảng cáo, giới thiệu mà hãy tìm hiểu kỹ về cơ sở mình sẽ đến làm đẹp.
Tìm hiểu rõ xem cơ sở đó có được cấp phép hay không, bác sĩ phẫu thuật cho mình là ai có đúng là bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ hay không rồi hãy quyết định chọn mặt gửi vàng.
Đặc biệt, việc tiêm filler tại các cơ sở cắt tóc, gội đầu, nhà riêng hay các spa bởi những người không có chuyên môn rất nguy hiểm; tiêm những chất không có nguồn gốc, xuất xứ sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường.
N. Huyền