Nghĩa tình Bưu điện và khát vọng hùng cường
Những ngày tháng Tám, chúng tôi có một chuyến công tác đặc biệt, đó là chuyến hành hương mang tên “Nghĩa tình” nhằm tri ân những người anh hùng ngành Thông tin và Truyền thông đã ngã xuống và nằm lại trên mảnh đất Tây Ninh đầy nắng gió để bảo toàn thông tin liên lạc, góp phần quan trọng trong chiến thắng đế quốc, giành độc lập, thống nhất đất nước.
Chúng tôi đã đi qua những cung đường dài đậm nét riêng của miền Đông Nam Bộ, với màu xanh mướt của những cánh đồng lúa trải dài bất tận đang thì con gái, với những cánh rừng cao su bạt ngàn và những tán cây cổ thụ đan xoà vào nhau như ôm lấy đất, ôm lấy trời, ôm lấy cả những con người Bưu điện.
Tới Nghĩa trang Liệt sỹ Giao bưu - Thông tin R tại xã Thạnh Tây, huyện Tân Biên, chúng tôi viếng thăm gần 250 liệt sỹ ngành Giao bưu - Thông tin R. Trên những mộ phần được sắp thẳng hàng ngay lối, những đoá mẫu đơn đang kỳ nở rộ đỏ tươi như ánh mặt trời, như gương mặt cười của mẹ hiền chở che những linh hồn đã khuất. Trong không gian ấy, tôi thầm nghĩ: Mỗi năm chúng ta trồng thêm một nhành hoá, lát thêm một viên đá cũng sẽ làm cho nơi an nghỉ của các anh hùng trở nên đẹp hơn, ấm áp hơn.
Dưới tượng đài uy nghiêm, bên làn khói hương nghi ngút, những thế hệ hôm nay của ngành Thông tin và Truyền thông kính cẩn nghiêng mình trước những linh hồn vĩ đại đã dành cả thanh xuân, dành cả tuổi trẻ cho đất nước, cho độc lập tự do, ấm no hạnh phúc.
Mỗi người sinh ra chỉ có một cuộc đời. Cuộc đời của các anh hùng ngành Thông tin và Truyền thông đã hoà vào núi sông, hoà vào lòng đất mẹ và hoà vào sự trường tồn của dân tộc Việt Nam.
Các thế hệ hôm nay nguyện tiếp bước gìn giữ, bảo vệ, xây dựng ngành, xây dựng đất nước, để những mất mát, đau thương của thế hệ cha anh trở thành sức mạnh, là động lực phấn đấu xây dựng quốc gia hùng cường, thịnh vượng.
Rời Nghĩa trang Liệt sỹ Giao bưu – Thông tin R, chúng tôi tới thăm Trung ương Cục miền Nam với Nhà truyền thống Khu căn cứ Ban Giao bưu vận và Ban Thông tin liên lạc.
Con đường dẫn vào di tích lịch sử quốc gia đặc biệt này có lẽ là con đường đẹp nhất. Theo những hàng cây đan xuyên, xoà toả bóng mát, chúng tôi đi vào những địa điểm từng là cơ quan chỉ huy cấp cao trong các chiến dịch giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Những di tích đơn sơ nhưng thấm đẫm giá trị lịch sử, tinh thần dân tộc và sức mạnh vô song của những nhà cách mạng yêu nước chân chính. Đây cũng chính là nơi giáo dục truyền thống lý tưởng cho thế hệ hôm nay, nhắc nhớ về một thời hoa lửa mà lịch sử đã khắc ghi.
Trong cuộc chiến tranh vệ quốc, đã có rất nhiều câu chuyện về sự hy sinh mất mát, đó là những câu chuyện về người mẹ mất con, người vợ mất chồng, những chiến sỹ hy sinh khi mối tình đầu còn dang dở. Và cũng còn đó rất nhiều câu chuyện về sự mưu trí, gan dạ, dũng cảm của chiến sỹ, bộ đội ta trong kháng chiến.
Bước vào Nhà Truyền thống của ngành Thông tin và Truyền thông, được nghe những câu chuyện đẹp, được nhìn thấy những hiện vật, những bức ảnh, những tư liệu quý, chúng tôi đều khó tránh khỏi cảm xúc bồi hồi.
Để chúng ta được sống trong độc lập, tự do, có được cơm ăn, áo mặc, có được hạnh phúc ngày hôm nay, cả một thế hệ đã phải đổi bằng nước mắt, bằng máu, bằng sự hy sinh gian khổ, không tiếc thân mình. Những bản anh hùng ca của quá khứ, tinh thần vượt lên trên tất cả mọi khó khăn, gian khổ của cha anh chúng ta thật đáng trân trọng.
Có lẽ, lẽ sống của mỗi người là một hành trình, mà ở đó, sự hy sinh cho những lý tưởng cao đẹp luôn là vĩ đại.
Được tận mặt chứng kiến, được lắng nghe và cảm nhận sâu sắc những câu chuyện, những hiện vật mà trước đó chỉ được biết qua các bài học lịch sử, các ca khúc cách mạng hào hùng, chúng tôi tự hứa với lòng mình rằng sẽ tiếp tục cống hiến, tiếp tục nỗ lực phát huy hết trí - lực của mình vì sự nghiệp vẻ vang của ngành Thông tin và Truyền thông, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, hòa bình lâu dài, trở thành quốc gia phát triển.
Nghiêm Tuấn Anh
(Phó Trưởng Ban Tuyên giáo – Truyền thông, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam)