Cần sớm biên soạn lịch sử ngành Thông tin và truyền thông
Ngành Thông tin và Truyền thông (TT&TT) có đóng góp quan trọng trong lịch sử của dân tộc. Tuy nhiên, hiện nay chưa có bộ lịch sử chính thống của toàn ngành với đầy đủ các lĩnh vực: Báo chí, In và Phát hành, Bưu chính, Viễn thông, Công nghệ thông tin. Vì vậy, việc biên soạn lịch sử ngành là mong muốn và tâm huyết của các địa phương.
Tâm huyết của nhiều địa phương
Theo chân đoàn công tác của Ban Lịch sử -Truyền thống (Bộ TT&TT) khi khảo sát, thu thập tư liệu phục vụ công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử ngành TT&TT tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, chúng tôi nhận thấy rằng, hầu hết lãnh đạo tại các địa phương này đều mong muốn việc xây dựng lịch sử ngành TT&TT cần làm sớm hơn.
Ông Nguyễn Xuân Ngọc, Phó Giám đốc Sở TT&TT Quảng Bình cho biết: Tại tỉnh Quảng Bình, các đơn vị như Báo Quảng Bình, Đài Phát thanh và Truyền hình Quảng Bình, Bưu điện tỉnh, Viễn thông Quảng Bình… đều có bề dày lịch sử (Báo Quảng Bình đã trải qua 54 năm hình thành và phát triển, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh 28 năm; Ngành Bưu chính, Viễn thông (có bề dày hoạt động 72 năm)… và đều mong mỏi có một bộ lịch sử về ngành TT&TT.
Tuy nhiên, ông Ngọc thừa nhận, đến nay ngành TT&TT Quảng Bình chưa tập hợp được tư liệu, tranh ảnh, hoạt động… để biên soạn lịch sử chung của ngành với đầy đủ các lĩnh vực: Báo chí, In và Phát hành, Bưu chính, Viễn thông, Công nghệ thông tin. Năm 2015, nhân kỷ niệm 10 năm thành lập, Sở TT&TT Quảng Bình đã xuất bản tập kỷ yếu “Ngành Thông tin và Truyền thông – 10 năm xây dựng và phát triển”. Kỷ yếu giới thiệu về cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của Sở và một số hình ảnh, tư liệu, hoạt động, thành tựu nổi bật của các đơn vị trong ngành như: Lễ ra mắt Báo điện tử Quảng Bình Online vào tháng 1/2012; Khai trương phát sóng quảng bá chương trình QBTV trên sóng Vinasat 1 vào tháng 7/2014; Đại hội Hội Tin học Quảng Bình lần thứ nhất nhiệm kỳ 2009-2014 và lần thứ II nhiệm kỳ 2014-2019; Triển lãm ảnh Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Triển lãm ảnh Biển đảo quê hương năm 2014… nhưng số tư liệu còn khá khiêm tốn.
Riêng Bưu điện tỉnh Quảng Bình hiện đang biên soạn sơ thảo Lịch sử Bưu điện Quảng Bình qua các thời kỳ. nhìn chung, các cơ quan, đơn vị trong ngành đều có phòng truyền thống để lưu giữ, trưng bày các hình ảnh, tư liệu, hiện vật, các thành tích đạt được từ khi thành lập đến nay. Hàng năm, các phòng truyền thống đều được bổ sung thêm tranh ảnh kỷ niệm, thành tích như bằng khen, cờ thi đua… đạt được trong quá trình công tác. Tuy nhiên, tranh ảnh, hiện vật tại các phòng truyền thống vẫn còn ít, chưa phản ánh được quá trình hình thành và phát triển của các cơ quan, đơn vị. Việc sắp xếp hình ảnh, tư liệu, thành tích đạt được vẫn chưa khoa học và đầy đủ theo các thời kỳ lịch sử của ngành TT&TT tại Quảng Bình.
Đồng tình với ý kiến của Sở TT&TT Quảng Bình, ông Nguyễn Văn Tường, Giám đốc Sở TT&TT Quảng Trị cho rằng: Ngành TT&TT hôm nay kế thừa truyền thống kiên trung, anh dũng của nhiều lĩnh vực thuộc ngành gắn liền với lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng và dân tộc ta. Đó là truyền thống hơn 92 năm của nền Báo chí cách mạng, 67 năm truyền thống của ngành Xuất bản – In – Phát hành; 72 năm ngành Bưu điện... Việc nghiên cứu lịch sử ngành TT&TT luôn được cấp ủy, ban giám đốc, cán bộ, đảng viên quan tâm và coi trọng. Tuy nhiên, việc biên soạn lịch sử ngành là việc làm rất công phu, vất vả, đòi hỏi nhiều yếu tố như người làm phải có vốn tri thức lịch sử, phông văn hóa dày dặn và vấn đề kinh phí nên hiện nay, Quảng Trị chưa thực hiện được.
Đoàn công tác Bộ TT&TT về khảo sát, thu thập số liệu phục vụ công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử ngành tại Tượng đài giao bưu Dốc Miếu, tỉnh Quảng Trị. |
Ông Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc Sở TT&TT Thừa Thiên - Huế cũng trăn trở: Lịch sử của mỗi ngành trong lĩnh vực TT&TT đều được lưu giữ, bảo quản tại từng đơn vị, tuy nhiên các địa phương đều lúng túng vì chưa thể biên soạn bộ lịch sử chính thống của ngành TT&TT. Cũng theo ông Hùng, việc thiếu lịch sử ngành sẽ rất khó khăn trong việc giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về TT&TT tại địa phương, nhưng do khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất cũng như kinh phí hoạt động, Sở TT&TT Thừa Thiên - Huế đã tận dụng phòng họp làm nơi sinh hoạt truyền thống. Bên cạnh đó, Sở đã tăng cường giáo dục truyền thống thông qua hoạt động của Hội Cựu chiến binh, Công đoàn, Đoàn Thanh niên; thường xuyên tổ chức các hoạt động về nguồn, hoạt động đền ơn đáp nghĩa… để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.
Cần sớm biên soạn lịch sử ngành TT&TT
Đánh giá tầm quan trọng của việc biên soạn lịch sử ngành TT&TT, ông Nguyễn Văn Tường cho rằng: Việc biên soạn lịch sử ngành TT&TT là mong muốn và tâm huyết của các địa phương, vì vậy Bộ TT&TT nên sớm biên soạn và xuất bản lịch sử ngành TT&TT. Đây là việc làm có ý nghĩa quan trọng trong quá trình kế thừa quá khứ của cha anh, nối tiếp lịch sử để ngành TT&TT không ngừng phát triển lớn mạnh, thực hiện thành công vai trò quan trọng của ngành vào sự phát triển của đất nước.
“Việc biên soạn lịch sử ngành là một công trình khoa học, cần huy động vật lực và trí lực của nhiều người, đặc biệt là những chuyên gia, những cán bộ giàu tâm huyết. Vì vậy, Bộ TT&TT cần xây dựng đề án/dự án, quy tụ đội ngũ những nhà viết sử chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, Bộ cần bổ sung chức năng quản lý nhà nước về lịch sử truyền thống cho các Sở TT&TT để các địa phương có cơ sở pháp lý trong việc triển khai hoạt động truyền thống tại đại phương mình”, ông Nguyễn Đức Hùng “hiến kế”.
Đại diện Sở TT&TT Quảng Bình kiến nghị, Bộ TT&TT cần quan tâm hướng dẫn, bồi dưỡng tập huấn về thực hiện công tác truyền thống, trưng bày phòng truyền thống ngành TT&TT để các cơ quan, đơn vị triển khai đồng bộ, đảm bảo theo qui định nhằm phản ánh được quá trình hình thành và phát triển của ngành TT&TT qua từng thời kỳ lịch sử tại các địa phương. Bên cạnh đó, Bộ TT&TT cần quan tâm tạo điều kiện để phát huy giá trị di tích lịch sử của ngành tại các địa phương. Bộ cũng cần có chỉ đạo, định hướng cụ thể về công tác biên soạn lịch sử cũng như giáo dục truyền thống để lãnh đạo các địa phương có sự quan tâm, đồng thời hỗ trợ nguồn kinh phí cho các địa phương triển khai thực hiện.
Ghi nhận tâm huyết của đại diện các địa phương, ông Phạm Quốc Chính, Phó Trưởng Ban Lịch sử - Truyền thống cho rằng: Ngành TT&TT đóng góp vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng Đảng, xây dựng đất nước. Vì vậy, việc biên soạn lịch sử ngành là cần thiết để lưu giữ những đóng góp của ngành. Thực tế, đây là giai đoạn Bộ TT&TT đang khởi động lại việc biên soạn lịch sử, do đó các địa phương cần chú trọng việc giữ gìn, bảo toàn lịch sử hiện có để phục vụ cho việc biên soạn lịch sử ngành. “Bộ trưởng Bộ TT&TT sẽ là Chủ tịch Hội đồng biên soạn lịch sử ngành, các thành viên của Hội đồng là các đồng chí lão thành cách mạng, các nhà biên soạn sử chuyên nghiệp… Bộ TT&TT cũng sẽ xây dựng Đề án biên soạn lịch sử ngành, gửi các địa phương góp ý trước khi ban hành”, ông Chính cho biết thêm.