Nét văn hóa đặc sắc của Campuchia trong cộng đồng văn hóa xã hội ASEAN
Campuchia là một thành viên trong Cộng đồng văn hóa xã hội ASEAN. Những nét văn hóa đặc sắc mang đậm nét Campuchia góp phần đa dạng hóa Cộng đồng văn hóa xã hội ASEAN, những hoạt động văn hóa góp phần nâng cao giá trị và tuyên truyền về Cộng đồng văn hóa xã hội ASEAN.
Ngoài những văn hóa vật thể như đền đài, cung điện, những di sản văn hóa UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, thì Campuchia sở hữu nhiều văn hóa hóa phi vật thể đặc sắc.
Kun Lbokator, môn võ cổ truyền của Campuchia, mới được ghi vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO.
Đây là môn võ thuật có từ thế kỷ thứ nhất, nhằm mục đích phát triển sức mạnh tinh thần và thể chất cũng như tính kỷ luật của người học thông qua các kỹ thuật tự vệ và triết lý bất bạo động.
Học tập môn võ Kun Lbokator không chỉ về các kỹ thuật và kỹ năng thể chất mà đòi hỏi người học rèn luyện về các kỷ luật tinh thần, cách tôn trọng thiên nhiên và cư xử đúng mực trong xã hội.
Múa ba lê Hoàng gia Campuchia nổi tiếng với những động tác uyển chuyển và trang phục lộng lẫy, gắn liền với cung đình trong hơn một thiên niên kỷ. Những bài múa thể hiện giá trị tinh hoa, đặc trung tâm linh của người Khmer.
Để thành thạo hệ thống các động tác, tư thế múa, các vũ công phải trải qua trường lớp đào tạo với nhiều năm học tập chuyên sâu.
Điểm đặc biệt ở các bài múa là không có động tác cố định, các vũ công gần như phải chuyển động liên tục, tạo nên sự uyển chuyển khéo léo, duy nhất ở các nước trong khối ASEAN. Những động tác múa chậm rãi nhưng rất tinh tế, kết hợp cùng trang phục truyền thống làm toát lên vẻ đẹp của người múa và nét độc đáo của điệu múa di sản phi vật thể thế giới.
Vũ kịch mặt nạ Lakhon Khol là thể loại kịch diễn xướng, thường do những người đàn ông đeo mặt nạ biểu diễn cùng phần đệm của dàn nhạc truyền thống và ngâm thơ. Lkhon Khol, một trong những hình thức nghệ thuật biểu diễn lâu đời nhất của Campuchia.
Múa được coi là giữ vai trò quan trọng tạo ra sức hấp dẫn của Lakhon Khol. Các động tác trong Lkhol Khol là những bước nhảy, lộn vòng, quay, sử dụng nhiều sức mạnh cơ bắp, thể hiện sắc thái mạnh mẽ, dứt khoát, tha thiết ... trên nền nhạc cổ. Phần lớn các điệu múa có nội dung mô tả trích đoạn từ sử thi Ream Ke, trường ca của Campuchia. Cốt truyện bài múa thường phát triển từ mâu thuẫn giữa thiện và ác do các diễn viên mặc trang phục rất cầu kỳ và nhiều màu sắc thực hiện.
Chapei Dang Veng là một loại hình âm nhạc truyền thống của Campuchia gắn liền với đời sống, phong tục, tín ngưỡng của người dân địa phương. Các nghệ nhân sử dụng chiếc đàn hai dây, cổ dài để chơi nhạc trong những nghi lễ văn hóa, kèm theo lời bài hát mang thông tin sâu sắc về các vấn đề xã hội, các bài nói chuyện dân gian, các bài thơ Khmer ...
Loại nhạc cụ nổi tiếng ở Campuchia thường được khắc trên các bức tường của Angkor Wat. Hàng năm, Bộ văn hóa và mỹ thuật Campuchia tổ chức cuộc thi Chapei Dang Veng thu hút những người chơi đàn tranh tài, nhằm mục đích quảng bá loại đàn hai dây truyền thống này. Bên cạnh đó, nâng cao hơn nữa và bảo tồn nghệ thuật, văn hóa, truyền thống và bản sắc dân tộc của Campuchia để góp phần phát triển xã hội.
Điểm cộng nữa giúp cho nền văn hóa phi vật thể của đất nước thành viên ASEAN này trở nên phong phú đó là các lễ hội. Những lễ hội truyền thống ở đây vô cùng rộn ràng, hấp dẫn, thu hút hàng ngàn khách du lịch trong và ngoài đất nước.
Ví dụ như Lễ hội Bom Chaul Chnam hay còn gọi là lễ hội thu hoạch lúa thành công, là lễ hội lớn nhất trong năm của người dân Campuchia. Trong những diễn ra lễ hội, mọi người thường té nước vào nhau với hi vọng gặp may mắn và tin tưởng vào một vụ mùa bội thu trong năm tới. Lễ Bonn Prathen là lễ hội của Phật giáo lớn nhất trong năm ở Campuchia. Hay Lễ hội chèo thuyền thường diễn tháng 11 hàng năm.
Hoàng Dung