Nâng cao an toàn giao thông đối với người đi xe máy
Ngày 23/12, tại Hà Nội, Ủy ban ATGT Quốc gia tổ chức hội thảo "Nâng cao an toàn giao thông đối với người đi xe máy". Tại hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Đinh Vinh Mẫn, Trường Đại học Việt Đức cho biết, theo thống kê nghiên cứu, trung bình hàng ngày có 25 người chết do TNGT đường bộ và chủ yếu là liên quan đến người đi mô tô, xe gắn máy (gọi chung là xe máy). TNGT do xe máy gây ra chiếm đến 70% số vụ TNGT đường bộ, trong đó độ tuổi gây tai nạn chủ yếu từ 27-55 tuổi.
"Tỷ lệ các vụ TNGT liên quan đến người trẻ tuổi, ít kinh nghiệm (dưới 18 tuổi) và người cao tuổi (trên 55 tuổi) đang có xu hướng tăng", TS Mẫn nói và cho biết, người đi xe máy dễ bị tổn thương khi tham gia giao thông so với các phương tiện bốn bánh lớn hơn do diện tích tiếp xúc của lốp xe với mặt đường nhỏ, lực thắng phanh chủ yếu dồn về phía trước, tỉ lệ sức mạnh/khối lượng lớn và thiếu thiết bị bảo hộ.
Đánh giá về nguyên nhân gây ra các vụ TNGT, TS Mẫn cho rằng, có nhiều nguyên nhân nhưng các nguyên nhân chính có thể kể đến là do kết cấu hạ tầng, do phương tiện và do ý thức của người tham gia giao thông.
3 hành vi nguy hiểm phổ biến của người điều khiển xe máy gây ra TNGT gồm: chạy quá tốc độ quy định, sử dụng rượu bia, không tập trung trong quá trình điều khiển xe.
PGS, TS Vũ Anh Tuấn, Trường Đại học Việt Đức cho biết, tại Quyết định số 1586 của Thủ tướng Chính phủ và Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định rõ một số chính sách và giải pháp liên quan đến việc tách dòng xe 2 bánh ra khỏi dòng xe hỗn hợp. Cụ thể, đẩy nhanh việc nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A, lắp đặt giải phân cách tránh xung đột đối đầu và xây dựng làn đường dành riêng cho xe mô tô, xe gắn máy.
Đối với Thủ đô Hà Nội và TP.HCM, tăng cường phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt và ưu tiên đầu tư phát triển phương tiện vận tải đô thị khối lượng lớn; tổ chức làn đường dành riêng cho xe mô tô, xe gắn máy; xây dựng hệ thống cầu vượt nhẹ bằng thép cho xe mô tô, xe gắn máy và xe ô tô có tải trọng nhẹ; xây dựng cầu vượt, hầm chui cho người đi bộ.
Ngoài ra, khi lập dự án nâng cấp, cải tạo, xây dựng mới các tuyến đường bộ, tuyến tránh đô thị phải thiết kế phân làn đường dành riêng cho xe mô tô, xe gắn máy.
Tuy nhiên, đến nay, qua đánh giá cho thấy, việc thực hiện giải pháp hạ tầng và tổ chức giao thông của Chiến lược còn rất chậm và nhiều bất cập. Hiện nay chỉ có QL22, một số đoạn trên tuyến QL1A, QL5 và một số đoạn đi qua khu vực đô thị trên các tuyến quốc lộ đã được phân tách làn đường dành riêng cho xe hai bánh. Ở Hà Nội, TP Đà Nẵng và TP.HCM mới chỉ có vài tuyến đường triển khai phương án phân tách làn xe máy riêng.
Do đó, PGS, TS Vũ Anh Tuấn đã xây dựng và đề xuất áp dụng Sổ tay thiết kế tuyến đường và làn đường dành riêng cho xe hai bánh (xe máy) nhằm mang đến môi trường tham gia giao thông an toàn hơn cho người đi xe máy.
Trong khi đó, TS Mẫn đề xuất 3 nhóm giải pháp gồm: Kỹ thuật (nâng cấp cải tạo mặt đường, mở rộng làn đường xe máy, phân cách làn đường xe máy và ô tô bằng các dải phần cách cứng, kiểm soát và đảm bảo chất lượng các loại xe máy đang lưu thông); giáo dục và đào tạo (bổ sung nội dung đào tạo các kỹ năng điều khiển phương tiện, nhận biết và xử lý các tình huống nguy hiểm trên đường cho người đi xe máy (đối với người trẻ tuổi) và cải thiện hiệu quả công tác tuyên truyền, tập trung vào các quy định xử phạt, các hình ảnh về hậu quả của các vụ TNGT; thực thi pháp luật (tăng cường giám sát, nâng mức xử phạt).
Về lâu dài, các giải pháp tập trung vào 3 trụ cột chính. Cụ thể, về hạ tầng giao thông, xây dựng những tuyến đường an toàn hơn. Với phương tiện, nâng cao chất lượng phương tiện bằng cách phát triển hệ thống hỗ trợ người lái trên xe máy, có quy định quản lý xe máy cũ nát. Với con người, cần tập trung tuyên truyền giáo dục đào tạo nâng cao hiểu biết và kiến thức về ATGT cũng như tăng cường giám sát, nâng mức xử phạt để tăng tính răn đe, hạn chế các vi phạm giao thông là nguyên nhân gây ra TNGT.
Bảo Khánh