Nam Định: Huyện Nghĩa Hưng phấn đấu năm 2023 đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
Huyện Nghĩa Hưng (Nam Định) phấn đấu đến năm 2022 có 24/24 xã, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; năm 2023 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và đến năm 2025 có trên 30% xã, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Thị trấn Liễu Đề, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định. |
Để tiếp tục đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, phấn đấu sớm hoàn thành mục tiêu trở thành huyện nông thôn mới nâng cao, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Nghĩa Hưng đã ban hành nghị quyết về việc tiếp tục xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025.
Huyện ủy xác định, xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục, toàn diện của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và trên tất cả các lĩnh vực với sự tham gia tích cực của người dân. Xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu phải gắn với quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; bảo đảm tính kết nối vùng; phát triển hài hòa kinh tế - xã hội và môi trường; khơi dậy và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của huyện. Đồng thời phát huy sức mạnh toàn dân, tinh thần đoàn kết và vai trò làm chủ của người dân...
Theo đó, huyện Nghĩa Hưng phấn đấu đến năm 2022 có 24/24 xã, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; năm 2023 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và đến năm 2025 có trên 30% xã, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Để đạt được mục tiêu này, huyện đã đưa ra nhiều giải pháp, đáng chú ý huyện sẽ chú trọng thu hút các doanh nghiệp có nguồn vốn lớn, công nghệ cao đầu tư, phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với phát triển công nghiệp chế biến. Tăng cường liên kết trong sản xuất nông nghiệp để nâng cao giá trị sản phẩm, đồng thời giảm rủi ro, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Cùng với đó, tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm theo hướng đa dạng hóa và nâng cao chất lượng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm và xuất khẩu; phấn đấu đến năm 2025, tất cả các xã, thị trấn đều có sản phẩm OCOP. Phát triển công nghiệp, dịch vụ, ngành nghề nông thôn gắn với du lịch đa loại hình, sản phẩm để tạo việc làm, tăng thu nhập và chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn.
Thảo Nguyên