Nam Định: Huyện Hải Hậu quyết liệt thực hiện các mục tiêu nông thôn mới nâng cao
Huyện Hải Hậu (Nam Định) phấn đấu không có hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người năm 2021 đạt 69,5 triệu đồng và đạt 110 triệu đồng trở lên vào năm 2025.
Để tiến tới mục tiêu được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2025, huyện Hải Hậu đã đề ra nhiệm vụ cụ thể, quyết liệt thực hiện nhóm tiêu chí “Phát triển sản xuất – thu nhập – hộ nghèo” đối với đơn vị cấp xã.
Theo đó, sẽ đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tái cơ cấu nông nghiệp gắn với phát triển sản phẩm OCOP huyện giai đoạn 2021-2025, thực hiện đề án “Tiếp tục phát triển nhanh, hiệu quả và hiệu quả công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2021-2025”.
Huyện Hải Hậu phấn đấu thu nhập bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 110 triệu đồng trở lên. (Ảnh: Thảo Nguyên) |
Theo đó, huyện tập trung thực hiện các giải pháp phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, giải quyết việc làm. Phấn đấu hàng năm không có hộ nghèo, trừ các đối tượng được bảo trợ xã hội; thu nhập bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 110 triệu đồng trở lên.
Cụ thể, năm 2021 thu nhập bình quân đầu người đạt 69,5 triệu đồng; năm 2022 thu nhập bình quân đầu người đạt trên 80 triệu đồn, năm 2023 đạt trên 90 triệu đồng, năm 2024 đạt trên 100 triệu đồng.
Về nông nghiệp, thủy sản chú trọng thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã, các nhân đầu tư, phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp tuần hoàn theo chuỗi liên kết gắn với phát triển công nghiệp chế biến.
Mỗi đơn vị cấp xã xác định và lựa chọn ít nhất 2 sản phẩm nông nghiệp chủ lực, là thế mạnh của địa phương để phát triển thành sản phẩm hàng hóa chất lượng cao và có quy mô phù hợp. Sản phẩm chủ lực là sản phẩm chiếm ít nhất 10% tổng giá trị sản xuất lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi, nuôi trồng, khai thác thủy sản.
Xây dựng mô hình và mở rộng quy mô sản xuất các sản phẩm chủ lực của xã được sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, VietGap, Haccp, hữu cơ... Vận động doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết với các hộ nông dân xây dựng thành các chuỗi liên kết sản xuất hàng hóa bền vững từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm và tiếp tục duy trì, nhân rộng mô hình qua các năm. Cụ thể, đối với xã nông thôn mới kiểu mẫu mỗi đơn vị cấp xã có một trong các mô hình lúa từ 30ha trở lên, lạc từ trên 10 ha trở lên, cây dược liệu, rau các loại, hoa, cây cảnh từ trên 3ha; lợn thịt từ trên 30 tấn một năm, gà thịt từ trên 20 tấn một năm, tôm nước lợ từ trên 50 tấn một năm.
Đối với xã nông thôn mới nâng cao, mỗi đơn vị cấp xã có một trong các mô hình, quy mô của mô hình nuôi trồng thủy sản, trồng lúa an toàn, rau màu có diện tích từ bằng hoặc trên 2ha hoặc trang trại chăn nuôi an toàn sinh học.
Tăng cường áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới về giống, kỹ thuật sản xuất và cơ giới hóa vào sản xuất, phát triển nhanh mô hình máy cấy – mạ khay gắn với dịch vụ hợp tác xã.
Phát triển chăn nuôi gắn với xây dựng hệ thống các trang trại, hộ chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh tại các vùng đã quy hoạch. Khuyến khích phát triển chăn nuôi trang trại, giảm quy mô chăn nuôi gia trại, áp dụng khoa học công nghệ nâng cao sản lượng tổng đàn, chất lượng đàn nuôi.
Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu ngành thủy sản, trong đó ưu tiên phát triển nuôi trồng thủy sản hàng hóa theo hình thức nuôi công nghiệp, thâm canh ứng dụng công nghệ cao; lựa chọn các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của huyện, có khả năng cạnh tranh trên thị trường, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu....
Khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất tham gia tích tụ ruộng đất, mở rộng phương án sản xuất kinh doanh, tổ chức chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản theo hướng trang trại quy mô lớn khép kín, đạt tiêu chuẩn an toàn sinh học, tiêu chuẩn hữu cơ, VietGap...
Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp với nền nông nghiệp hàng hóa theo hướng khuyến khích, hỗ trợ nông dân và các chủ trang trại thành lập các hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã năm 2012 trên nguyên tắc tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Phấn đấu đến năm 2024 toàn huyện có trên 72 hợp tác xã nông nghiệp.
Triển khai đồng bộ chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của các sản phẩm đặc trưng của các địa phương. Phấn đấu đến năm 2025 toàn huyện có ít nhất 95 sản phẩm OCOP, trong đó có ít nhất 40 sản phẩm đạt từ 4 sao trở lên.
Thảo Nguyên