Mục tiêu xây dựng nông thôn mới của tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025
Sau khi đã đạt được nhiều thành tựu trong 10 năm xây dựng nông thôn mới, tỉnh Lạng Sơn tiếp tục đề ra những mục tiêu cho chặng đường 5 năm tới trên tinh thần "xây dựng nông thôn mới không có điểm kết thúc".
Diện mạo nông thôn khởi sắc
Trao đổi với PV Infonet, một lãnh đạo Văn điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Lạng Sơn cho biết, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TU ngày 12/8/2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn về xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc, kinh tế - xã hội khu vực nông thôn phát triển khá toàn diện, đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được cải thiện, nâng cao.
Nhà văn hóa xã khang trang ở Lạng Sơn. |
Chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất gắn với quảng bá, xây dựng thương hiệu, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được tập trung thực hiện; các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực, thế mạnh được khai thác phát huy, bước đầu hình thành các vùng sản xuất tập trung, nhiều mô hình sản xuất hiệu quả được nhân rộng, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.
Tuy nhiên, một số tiêu chí nông thôn mới chưa thực sự bền vững; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn được đầu tư, nâng cấp, song chưa đáp ứng được yêu cầu, các chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn chưa thực sự phát huy hiệu quả; vai trò kinh tế tập thể còn mờ nhạt.
Những hạn chế nêu trên có nhiều nguyên nhân, trong đó có một số nguyên nhân chủ yếu, đó là: Cấp uỷ đảng, chính quyền một số nơi, nhất là cấp cơ sở chưa chủ động, quyết liệt trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện, còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào cấp trên; năng lực, trình độ của cán bộ ban chỉ đạo, ban quản lý xây dựng nông thôn mới cấp cơ sở, địa bàn các xã đặc biệt khó khăn, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế.
Công tác tuyên truyền, vận động người dân tuy đã có cố gắng nhưng chất lượng, hiệu quả chưa cao, chưa thực sự phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới.
Xuất phát điểm nền kinh tế của tỉnh thấp so với mức trung bình chung của cả nước; những khó khăn đặc thù của một tỉnh miền núi, biên giới, địa hình chia cắt, thiên tai, dịch bệnh thường xuyên xảy ra ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế, đời sống và hoạt động sản xuất của người dân; hạ tầng cơ sở, kỹ thuật, nguồn lực hỗ trợ xây dựng nông thôn mới từ ngân sách Nhà nước, khả năng huy động từ cộng đồng dân cư và các nguồn lực xã hội khác đạt mức thấp.
Xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm
Lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn luôn xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và liên tục, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, từng bước đi vào chiều sâu, thực chất và bền vững.
Người dân tham gia vào công tác làm đường nông thôn mới. |
Việc triển khai thực hiện Chương trình phải đồng bộ, toàn diện ở tất cả các xã, có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên tập trung cho các xã điểm nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, các xã đặc biệt khó khăn, các xã biên giới.
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng xây dựng nông thôn mới gắn với quá trình công nghiệp hóa nông nghiệp, đô thị hóa nông thôn; bảo đảm phát triển hài hòa kinh kế, xã hội và môi trường; nâng cao chất lượng hạ tầng kinh tế - xã hội, dịch vụ nông thôn, nhất là hệ thống hạ tầng cơ sở thiết yếu của cấp xã và thôn, bản. Đồng thời chú trọng công tác bảo vệ môi trường, cải tạo cảnh quan nông thôn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, con người Xứ Lạng.
Xây dựng nông thôn mới gắn với bảo vệ môi trường. |
Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, vai trò làm chủ của người dân theo phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Nâng cao vai trò, trách nhiệm, tính chủ động sáng tạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội, huy động sự tự giác tham gia tích cực của Nhân dân để tạo thành sức mạnh tổng hợp trong xây dựng nông thôn mới.
Mục tiêu tổng quát Xây dựng nông thôn mới đồng bộ với xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát triển toàn diện kinh tế - xã hội nông thôn và hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn kết nối nông thôn với đô thị.
Khuyến khích phát triển kinh tế hộ, kinh tế hợp tác mà nòng cốt là hợp tác xã, phát triển sản xuất nông nghiệp kết hợp với công nghiệp, dịch vụ, ngành nghề nông thôn; thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, xây dựng nông thôn mới thông minh; bảo đảm và tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật cho người dân.
Từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và mức thụ hưởng về y tế, văn hóa, xã hội của người dân nông thôn; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp; xã hội nông thôn đoàn kết, dân chủ; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội ổn định.
Mục tiêu xây dựng nông thôn mới của tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025
Theo vị lãnh đạo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh Lạng Sơn thì mục tiêu cụ thể đến năm 2025, toàn tỉnh có 115/181 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm tỷ lệ 63,5%, bình quân mỗi năm có thêm 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Hình ảnh làng quê Lạng Sơn sau 10 năm thực hiện chính sách phát triển nông thôn. |
Bình quân mỗi xã trên địa bàn tỉnh đạt từ 15 tiêu chí trở lên, không có xã dưới 10 tiêu chí; xây dựng và công nhận 32 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 12 xã nông thôn mới kiểu mẫu, 30 khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu; có thêm 01 huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Tỷ lệ xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông đạt 100%; tỷ lệ thôn có đường ô tô đến trung tâm thôn được cứng hóa đạt 80%; có 220 trường học các cấp học ở các xã đạt chuẩn quốc gia. Tỷ lệ thôn có nhà văn hóa đạt chuẩn nông thôn mới đạt 60%, xã có nhà văn hóa và sân tập thể thao đạt chuẩn từ 63,5% trở lên còn tỷ lệ xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã là 100%.
Ngoài ra, tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên từ các nguồn đạt 99,6%; 97% số xã đạt tiêu chí về hạ tầng cơ sở thương mại nông thôn. 100% số xã đạt tiêu chí thủy lợi với tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99%, trong đó có 70% được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn.
Bên cạnh đó cũng cần bảo đảm 100% số xã trên địa bàn tỉnh có điểm phục vụ bưu chính và viễn thông; 100% số xã được phủ sóng thông tin di động 4G; 100% xã được lắp đặt hệ thống đài truyền thanh.
Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng 1,3 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 3%/năm trở lên (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021 - 2025); nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 65%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 98%.
Thành lập mới được 60 hợp tác xã, 40 tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) có thêm ít nhất 50 sản phẩm đạt từ 03 sao trở lên, 01 sản phẩm đạt 5 sao cấp quốc gia; xây dựng 03 làng văn hóa du lịch cộng đồng.
Tiến Anh