Những con số ấn tượng sau 10 năm xây dựng nông thôn mới ở Lạng Sơn
Trong 10 năm xây dựng nông thôn mới, kinh tế tập thể của Lạng Sơn đã có bước chuyển đổi rõ nét cả về số lượng và chất lượng, lĩnh vực ngành nghề từng bước được mở rộng theo hướng đa ngành nghề, đa dạng loại hình hoạt động.
Tập trung các nguồn lực xây dựng nông thôn mới
Theo thông tin từ Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Lạng Sơn, trong 10 năm (2011-2021), toàn tỉnh đã huy động từ các nguồn vốn được trên 1.804,8 tỷ đồng để xây dựng đường giao thông nông thôn, trong đó vốn ngân sách nhà nước là trên 852 tỷ đồng, nhân dân đóng góp tiền, ngày công và khai thác vật liệu quy tiền là 952,8 tỷ đồng.
Người dân chăm sóc cây thạch đen Tràng Định. |
Tỉnh đã hỗ trợ 382.361 tấn xi măng, 22.900m cống các loại, huy động được trên 3,62 triệu ngày công lao động, Nhân dân khai thác cát đá sỏi tại chỗ trên 450.000m3 phục vụ làm đường giao thông.
Kết quả đã mở mới đường giao thông nông thôn thêm 730km, sửa chữa bảo trì được 32.250km đường các loại, xây dựng thêm 3.165km mặt đường bê tông xi măng, tỷ lệ cứng hóa đường đến trung tâm xã đạt 79%. Hết năm 2020 có 76/181 xã đạt tiêu chí, chiếm tỷ lệ 42%.
Hệ thống công trình thuỷ lợi, nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn được quan tâm sửa chữa, nâng cấp, giai đoạn 2011 - 2020 huy động tổng nguồn vốn trên 1.097 tỷ đồng để đầu tư phát triển hệ thống thuỷ lợi, nâng cấp, cải tạo các công trình và hệ thống kênh mương phục vụ sản xuất, nâng diện tích trồng trọt được tưới tiêu lên 36.353 ha; diện tích nuôi trồng thuỷ sản đã được cấp thoát nước là 136 ha; kiên cố hóa được 1.388 km kênh mương nội đồng, đạt 50,62%. Hết năm 2020 có 168/181 xã đạt tiêu chí, chiếm tỷ lệ 92,82%.
Hệ thống điện nông thôn được nâng cấp, mở rộng, đáp ứng yêu cầu phục vụ cho sản xuất và đời sống Nhân dân. Giai đoạn 2011 - 2020, tỉnh đã đầu tư mới, cải tạo lưới điện nông thôn với tổng kinh phí là 918 tỷ đồng.
Thực hiện đầu tư, cải tạo xây mới được 350 km đường dây 35kV; đường dây 0,4kV được 1.313km; xây mới 393 trạm biến áp. Đến nay 100% số xã đã có điện lưới quốc gia, tỷ lệ hộ nông thôn có điện đạt 97,95%, tỷ lệ thôn có điện đạt 98,31%; toàn tỉnh có 2.315km đường dây trung áp bảo đảm yêu cầu kỹ thuật, với 829 trạm biến áp và 4.666km đường dây hạ thế. Hết năm 2020 có 108/181 xã đạt tiêu chí, đạt tỷ lệ 59,67%.
Hệ thống hạ tầng thương mại nông thôn từng bước được đầu tư đồng bộ, phục vụ ngày càng tốt nhu cầu trao đổi, giao thương hàng hóa trên địa bàn nông thôn. Tỉnh đã ban hành Quyết định số 25/2018/QĐ-UBND, ngày 22/02/2018 quy định chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng chợ nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 - 2030.
Trong giai đoạn 2011-2020, đã xây dựng được 5 chợ trên địa bàn nông thôn với tổng mức đầu tư là 29,195 tỷ đồng, trong đó vốn xã hội hóa là 16,916 tỷ đồng, vốn từ ngân sách Nhà nước là 12,279 tỷ đồng. Toàn tỉnh hiện có 88/207 xã có quy hoạch chợ; 119/207 xã không có quy hoạch chợ. Hết năm 2020 có 170/181 xã đạt tiêu chí, chiếm tỷ lệ 93,92%.
Hạ tầng thông tin và truyền thông được đầu tư và phát triển nhanh, rộng khắp, việc phát triển các dịch vụ sử dụng hạ tầng thông tin và truyền thông về tới vùng cao, biên giới được quan tâm.
Hiện nay 100% số xã trên địa bàn tỉnh đã có điểm phục vụ bưu chính và có hạ tầng viễn thông 2G, 3G (hạ tầng 4G có đến UBND cấp xã); có 2.537 trạm phủ sóng thông tin di động tại khoảng 1.000 vị trí, phủ sóng điện thoại di động và internet vô tuyến đến 100% số xã.
Trong giai đoạn 2011-2020, đã đầu tư xây dựng mới, nâng cấp đài truyền thanh cho 109 xã; cấp trên 4.000 hộp thư điện tử, triển khai phần mềm quản lý văn bản điện tử, phần mềm dịch vụ công trực tuyến đến 100% số xã.
Triển khai Chứng thư số, chữ ký số chuyên dùng trong các cơ quan hành chính Nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã, đáp ứng yêu cầu gửi, nhận văn bản điện tử và chứng thực điện tử phục vụ xây dựng Chính quyền điện tử trên địa bàn tỉnh nói chung và xây dựng nông thôn mới nói riêng. Hết năm 2020 có 94/181 xã đạt tiêu chí, chiếm tỷ lệ 51,93%.
Phát triển mạnh mẽ nông, lâm nghiệp trong 10 năm
Giai đoạn 2011 - 2020, tổng nguồn vốn đầu tư hỗ trợ phát triển sản xuất trên địa bàn tỉnh là 247.191 triệu đồng; đã xây dựng được 431 mô hình tại 93 xã, với tổng số hộ tham gia 13.828 hộ, hiện có 329/431 mô hình còn duy trì và nhân rộng đạt tỷ lệ 76,3%.
Khu cư dân nông thôn mới kiểu mẫu Quán Thanh, xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng, Lạng Sơn. |
UBND tỉnh chỉ đạo xây dựng thí điểm 3 dự án tổng thể phát triển sản xuất tại thành phố Lạng Sơn, huyện Cao Lộc và huyện Bình Gia, các mô hình đã mạnh dạn chuyển chuyển đổi phương thức sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật mới vào sản xuất, thực hiện liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm đem lại hiệu quả kinh tế cao đã góp phần tạo sự chuyển biến trong tư duy sản xuất.
Các hình thức liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đã dần từng bước hình thành và phát triển đa dạng, phù hợp với điều kiện sản xuất từng vùng, địa phương, đã có những mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao ; công tác xúc tiến tiêu thụ sản phẩm được quan tâm chú trọng, tỉnh đã hỗ trợ các Hợp tác xã xây dựng các điểm giới thiệu và bán sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn tại siêu thị, chợ trung tâm trên địa bàn tỉnh; một số sản phẩm đặc sản của tỉnh như: Na, Quýt, Khoai mon, Hồng và các loại rau đặc sản đã được kết nối, giới thiệu tiêu thụ sản phẩm đến với hệ thống các siêu thị lớn tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và một số thị trường lớn trong và ngoài nước.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng của tỉnh cũng chỉ đạo tổ chức các hoạt động quảng bá sản phẩm như: Ngày hội Na Chi Lăng, Hội thi Hồng Vành Khuyên Văn Lãng, Hồng Bảo Lâm Cao Lộc, Quýt vàng Bắc Sơn, trái cây tươi Hữu Lũng...;
Bên cạnh đó, tỉnh Lạng Sơn cũng đã triển khai thực hiện 112 đề tài, dự án tập trung vào nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất theo hướng hàng hóa gắn với thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới; hoàn thành việc xây dựng và bảo hộ đối với: 02 chỉ dẫn địa lý (Hoa hồi Lạng Sơn và Hồng Bảo Lâm), 2 nhãn hiệu chứng nhận (Na Chi Lăng, Rau thành phố Lạng Sơn); 21 nhãn hiệu tập thể (rượu Mẫu Sơn, Hồng Vành khuyên, Thạch đen, Quýt vàng, Cao khô Vạn Linh ...); toàn tỉnh đã công nhận được 11 sản phẩm OCOP (được phân hạng từ 3 sao đến 4 sao).
Kinh tế tập thể đã có bước chuyển đổi rõ nét cả về số lượng và chất lượng, lĩnh vực ngành nghề từng bước được mở rộng theo hướng đa ngành nghề, đa dạng loại hình hoạt động. Thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012, các Hợp tác xã từng bước được củng cố, tổ chức lại bộ máy, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh.
Hợp tác xã nông nghiệp bước đầu đã tạo được sự liên kết, hợp tác trong sản xuất nông nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, cây trồng, vật nuôi, từng bước thay đổi tập quán sản xuất khu vực nông thôn, đưa tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất. Đến nay có 126/181 xã đạt tiêu chí về tổ chức sản xuất, chiếm tỷ lệ 69,61%.
Kinh tế đồi rừng có bước phát triển vượt bậc, đã xuất hiện những mô hình kinh tế đồi rừng cho giá trị kinh tế cao, nghề rừng đang dần trở thành nghề chính, góp phần tích cực trong thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn.
Đã hoàn thành, bàn giao 27.204 ha đất rừng từ các Công ty Lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh cho các huyện, các đối tượng sử dụng đất quản lý.Trong 10 năm, trồng rừng mới được 106.680 ha, khoanh nuôi tái sinh 67.215 lượt ha.
Kinh tế đồi rừng đã từng bước được khai thác có hiệu quả, bền vững, thực hiện tốt việc vừa khai thác kết hợp với công tác bảo vệ, khoanh nuôi, tái sinh rừng, trồng rừng bổ sung đã đưa tổng diện tích đất có rừng đến hết năm 2020 ước đạt trên 518.766 ha, chất lượng rừng ngày một nâng cao, tỷ lệ che phủ rừng nâng từ 47,6% năm 2011 lên 63,0% năm 2020.
Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn có tiến bộ, nhưng chủ yếu là sơ chế, chế biến các mặt hàng đơn giản, quy mô nhỏ .Các ngành nghề truyền thống khu vực nông thôn được quan tâm bảo tồn.
Mạng lưới dịch vụ nông nghiệp được phát triển rộng khắp, cung ứng đầy đủ, kịp thời các vật tư phục vụ phát triển sản xuất trên địa bàn. Cơ khí hoá sản xuất nông nghiệp, nông thôn tiếp tục được quan tâm, đẩy mạnh.
Hải Ngọc