Mô hình HTX góp phần hoàn thành các tiêu chí khó trong xây dựng nông thôn mới
Tại Hà Nội, nhờ phát triển sản xuất hợp tác xã theo chuỗi khép kín nên đã nâng cao hiệu quả kinh tế khu vực nông thôn, góp phần vào hoàn thành các tiêu chí khó trong xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Theo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội, nhiều hợp tác xã tại Hà Nội nhờ phát triển sản xuất theo chuỗi khép kín đã phát huy được vai trò, nâng cao hiệu quả kinh tế khu vực nông thôn, góp phần vào hoàn thành các tiêu chí khó trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao tại địa phương.
Trong những năm qua, số lượng hợp tác xã được thành lập mới ngày một tăng; mở rộng về quy mô và nâng cao chất lượng hoạt động. Nhiều mô hình hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao và sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi liên kết được hình thành, góp phần quan trọng phát triển kinh tế nông thôn.
Một điểm bán hàng của hợp tác xã dịch vụ nông lâm nghiệp và thương mại tổng hợp trên địa bàn huyện Thạch Thất |
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện toàn thành phố có 1.252 hợp tác xã nông nghiệp, trong đó có 1.107 hợp tác xã đang hoạt động (chiếm 88,6%). Trong đó có 70 hợp tác xã tham gia liên kết chuỗi trong sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; 50 hợp tác xã ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao.
Các hợp tác xã theo chuỗi đang đóng góp nguồn lực rất lớn cho kinh tế khu vực nông thôn, giúp các địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao.
Để thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực nông thôn, tạo nguồn lực giúp các địa phương xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. UBND thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển hiệu quả mô hình hợp tác xã trong đó có đề án “Lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới hiệu quả tại các địa phương trên cả nước giai đoạn 2021-2025” theo quyết định số 4857/QĐ-UBND của UBND thành phố.
Theo kế hoạch để triển khai thực hiện đề án, UBND thành phố sẽ lựa chọn ra 25 hợp tác xã đáp ứng được các điều kiện để tham gia đề án trên cũng như sẽ được nhận hỗ trợ từ nguồn ngân sách của thành phố. Căn cứ vào nguồn lực của địa phương mình mà mỗi quận huyện, thị xã sẽ triển khai thêm mô hình theo mục tiêu, nội dung cụ thể của đề án.
UBND Thành phố Hà Nội cũng đưa ra 3 giai đoạn thực hiện đề án trên. Giai đoạn 1 sẽ hoàn thành việc lựa chọn mô hình hợp tác xã thí điểm trong năm 2021. Đến tháng 6/2025, giai đoạn 2 là giai đoạn hoàn thiện mô hình thí điểm, nhân rộng một sô mô hình hợp tác xã kiểu mới. Giai đoạn 3 diễn ra trong 6 tháng cuối năm 2025 sẽ là giai đoạn tổng kết, đề xuất các phương án nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới hiệu quả.
Các hợp tác xã tham gia đề án trên phải thực hiện 6 điều kiện bắt buộc, đó là đang hoạt động theo quy định Luật Hợp tác xã năm 2012; đang hoạt động sản xuất, kinh doanh và phát triển theo các mô hình được đề án lựa chọn; bảo đảm tỷ lệ cung ứng sản phẩm, dịch vụ cho các thành viên theo quy định của pháp luật; kinh doanh hiệu quả, có lãi liên tục trong 3 năm tài chính gần nhất. Đồng thời, các hợp tác xã phải nộp đầy đủ hồ sơ đăng ký tham gia đề án, trong đó bản đánh giá xếp loại hợp tác xã năm 2020 đạt từ 65 điểm trở lên. Nếu có từ 2 hợp tác xã cùng đáp ứng các điều kiện này thì lựa chọn hợp tác xã có quy mô lớn hơn và có tổng nguồn vốn của hợp tác xã cao hơn. UBND thành phố Hà Nội cũng ưu tiên chọn đơn vị nào có nhiều thành viên và tích cực tham gia các hoạt động.
Hợp tác xã có quy mô lớn, sản xuất sản phẩm chủ lực của địa phương theo hướng xuất khẩu, liên kết với doanh nghiệp, tham gia chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, gắn với tăng trưởng xanh. Hợp tác xã có đông thành viên là nữ hoặc phụ nữ tham gia quản lý; vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; hợp tác xã do thanh niên khởi nghiệp.
Điểm giới thiệu sản phẩm nông nghiệp an toàn, hữu cơ và OCOP của hợp tác xã dịch vụ nông lâm nghiệp và thương mại tổng hợp Yên Bình, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội |
Tuy nhiên, việc phát triển các hợp tác xã cũng còn nhiều khó khăn, vướng mắc như: Thu nhập của người lao động khu vực kinh tế tập thể còn thấp, tư liệu sản xuất để phát triển của phần lớn các hợp tác xã còn hạn chế…
Để khắc phục khó khăn, hạn chế trên nhằm thúc đẩy hợp tác xã phát triển, đóng góp tích cực vào khu vực kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố Hà Nội tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan để tháo gỡ khó khăn, vận dụng các chính sách hỗ trợ về đào tạo nhân lực, nguồn vốn, hỗ trợ ứng dụng kỹ thuật trong sản xuất và quảng bá, tiêu thụ sản phẩm cho các hợp tác xã. Đồng thời sẽ tiếp tục cùng chính quyền địa phương đẩy mạnh xếp hạng sản phẩm OCOP cho các hợp tác xã, kết nối công nghệ giúp các hợp tác xã tham gia phân phối trên kênh bán hàng công nghệ.
Lam Giang