Nhận biết khách hàng và xác minh thông tin trong phòng chống rửa tiền
Quy định này cũng đã đuộc các chuyên gia làm luật và các đại biểu Quốc hội thảo luận rất kỹ trước khi dự thảo luật chính thức được thông qua.
Theo đó, về thông tin nhận biết khách hàng, cập nhật thông tin nhận biết khách hàng, Luật sửa đổi, bổ sung quy định về thông tin nhận biết khách hàng để phù hợp với pháp luật hiện hành, khuyến nghị của FATF, đánh giá của APG; sửa đổi, bổ sung quy định về thông tin chủ sở hữu hưởng lợi, theo đó đối tượng báo cáo phải xác định chủ sở hữu hưởng lợi và áp dụng các biện pháp để nhận biết, cập nhật thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi.
Bên cạnh đó, Luật kế thừa quy định về việc đối tượng báo cáo có thể thuê tổ chức khác xác minh thông tin khách hàng.
Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân, các cơ quan soạn thảo Luật đã bổ sung quy định đối tượng báo cáo phải bảo đảm: tổ chức thuê xác minh phải bảo mật thông tin khách hàng theo quy định của pháp luật và đối tượng báo cáo phải chịu trách nhiệm về kết quả xác minh thông tin nhận biết khách hàng của tổ chức thuê.
Việc thuê tổ chức khác để xác minh thông tin nhận biết khách hàng được thực hiện theo thỏa thuận của các bên và quy định của pháp luật có liên quan.
Luật sửa đổi quy định rõ các trường hợp thực hiện trì hoãn giao dịch và giao Chính phủ hướng dẫn các yếu tố như "cơ sở hợp lý để nghi ngờ" trên cơ sở thực tiễn công tác phòng, chống rửa tiền; luật hóa quy định về việc miễn trách nhiệm của đối tượng báo cáo tại Nghị định 116/2013/NĐ-CP, đồng thời Luật sửa đổi cũng bổ sung quy định về thời điểm thực hiện biện pháp trì hoãn giao dịch.
Bên cạnh việc kế thừa từ quy định tại Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012 và Nghị định 116/2013/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung), để đáp ứng thực tiễn công tác trao đổi, cung cấp thông tin về phòng, chống rửa tiền, Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) cũng bổ sung nguyên tắc: trường hợp giữa Việt Nam và nước ngoài chưa có điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế về phòng, chống rửa tiền, việc trao đổi, chuyển giao thông tin trong hợp tác quốc tế về phòng, chống rửa tiền được thực hiện trên nguyên tắc có đi có lại nhưng không trái với pháp luật Việt Nam, phù hợp với pháp luật và tập quán quốc tế.
Tuân Nguyễn