Loạt giải pháp gỡ khó cho thị trường bất động sản
Từ góc độ doanh nghiệp, chia sẻ về khó khăn hiện nay, bà Nguyễn Thùy Dung, Chủ tịch Phú Hưng Property cho hay, khó khăn lớn nhất hiện nay là nguồn vốn cấp cho thị trường bất động sản và tâm lý của nhà đầu tư.
Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước vừa qua đã có động thái nới room tín dụng, giúp đưa thêm khoảng 200.000 tỷ đồng vốn vào nền kinh tế. Bà Dung đánh giá, những động thái hỗ trợ nền kinh tế và thị trường bất động sản của Chính phủ đã phần nào giúp tâm lý các nhà đầu tư, cũng như thị trường ổn định lại, đồng thời giúp các nhà đầu tư cá nhân và chủ đầu tư có thêm vốn trong giai đoạn cuối năm.
“Đây cũng là tín hiệu cho thấy Chính phủ đang hỗ trợ thị trường bất động sản, cũng như nền kinh tế chung tương đối tích cực”, bà Dung nói.
Liên quan đến giải pháp tháo gỡ khó khăn cho bất động sản, bà Dung đề xuất nên tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn, đặc biệt với các dự án bất động sản nhà ở có giá trị sử dụng thực tế, các dự án đã hoàn thành pháp lý, cũng như có tiến độ xây dựng đã đảm bảo và sắp đi vào bàn giao.
Bà cũng đánh giá nên định hướng cho doanh nghiệp bất động sản đào tạo nhân sự trong thời gian tới, đồng thời số hóa hoạt động quản trị doanh nghiệp sao cho hiệu quả hơn, giúp tiết giảm các chi phí nhân sự.
Thông tin mới nhất từ Hiệp hội Ngân hàng cho thấy có 19 ngân hàng đã cam kết giảm lãi suất cho vay. Để thực hiện được điều này, các ngân hàng đồng thuận áp dụng mức lãi suất huy động tối đa là 9,5%/năm, ở tất cả các kỳ hạn. Thêm nữa, ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng thêm 1,5 - 2%, một số dự án bất động sản đang triển khai và những người mua nhà đang có hợp đồng giải ngân dở dang đã nhanh chóng liên hệ với các ngân hàng thương mại, để có thể thực hiện nốt khoản vay.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đánh giá, "việc xây dựng nghiên cứu đưa ra các nhóm giải pháp, đặc biệt lập ra các nghị định, sửa nhiều nghị định chúng tôi cho rằng đây là sự quyết liệt rất mạnh của Chính phủ. Cộng đồng các doanh nghiệp bất động sản đều mong muốn sẽ có những thay đổi để đẩy nhanh thủ tục pháp lý cho các dự án. Riêng với từng doanh nghiệp, họ cũng phải vạch ra các giải pháp riêng để vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Từ góc độ cơ quan quản lý, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, Tổ công tác đã kiến nghị với Chính phủ làm việc với Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng, việc này đã tạo thuận lợi bước đầu cho doanh nghiệp về nguồn vốn.
Bên cạnh đó, việc sửa đổi Nghị định 65 về trái phiếu doanh nghiệp, theo ông Sinh, cũng là giải pháp quan trọng. Ngoài ra, ông cũng nhắc đến trách nhiệm của các doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư bất động sản. Vị Thứ trưởng đề nghị doanh nghiệp rà soát lại hoạt động kinh doanh, cơ cấu các sản phẩm và dự án, nếu cần, bán bớt các dự án, tập trung triển khai để hoàn thành dự án sớm. Khi dự án đủ điều kiện để bán sẽ tạo nên dòng vốn để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
Về dài hạn, Thứ trưởng cho rằng, doanh nghiệp bất động sản cũng cần lưu ý vay dự án nào sử dụng đúng dự án đó, tránh tình trạng vốn vay dự án này sử dụng cho mục đích khác, mất cân bằng tài chính.
Liên quan đến nhà ở xã hội, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết, Bộ Xây dựng đang tích cực tháo gỡ khó khăn nhằm thúc đẩy triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ.
Kết quả trong năm 2022, các địa phương đã khởi công được 19 dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp với tổng số khoảng 33.194 căn, tổng diện tích xây dựng khoảng 1,8 triệu m2.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh, trong thời gian tới sẽ xử lý lại các chính sách ưu đãi xây dựng nhà ở xã hội. Khi có những ưu đãi thì sẽ giúp giảm giá bán nhà ở xã hội. Ngoài ra, khi giảm bớt các thủ tục hành chính, giảm chi phí lãi vay, nhân công, sử dụng đất... cũng giúp hạ giá nhà ở xã hội.
Minh Thư