Xuất khẩu thủy sản 2022 bứt phá, đạt gần 11 tỷ USD
Tại hội nghị tổng kết năm 2022 và triển khai kế hoạch năm 2023 do Tổng cục Thủy sản tổ chức, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá, điểm nổi bật của ngành thủy sản trong năm 2022 là giá trị xuất khẩu thủy sản đạt gần 11 tỷ USD, đây là mức kỷ lục trong lịch sử; đặc biệt trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn.
Năm 2022 là một năm bứt phá của ngành thủy sản khi xuất khẩu đạt kim ngạch 11 tỷ USD, cao nhất sau 20 năm gia nhập thị trường quốc tế.
Đây là nỗ lực rất lớn của cả ngành hàng, đặc biệt, việc duy trì chuỗi sản xuất liên tục, đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm và tận dụng tốt cơ hội từ các thị trường.
Trong đó, tôm là nhóm hàng có giá trị xuất khẩu cao nhất trong ngành thủy sản với hơn 4,3 tỷ USD. Có được kết quả ấn tượng này là nhờ từ khâu nuôi, chế biến cho đến xuất khẩu được duy trì, đẩy mạnh sau đại dịch.
Bên cạnh đó, xuất khẩu cá tra Việt Nam lên ngôi khi lần đầu tiên vượt mốc 2,5 tỷ USD. Ngoài thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ…, hiện cá tra nước ta còn khai thác khá tốt thị trường khu vực Đông Nam Á.
Nhóm sản phẩm thủy sản còn lại cũng có mức tăng trưởng khá tốt do đã khai thác tốt dư địa từ các thị trường.
Đánh giá về kết quả đã đạt được của ngành thuỷ sản năm 2022, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản, cho rằng, trong năm 2022, ngành thủy sản đã xử lý tốt những vấn đề mang tính phát sinh, nhất là về thị trường. Trong đó, khi tình hình dịch Covid-19 có dấu hiệu lắng xuống, ngành thủy sản đã nhanh chóng tiếp cận thị trường ngoài nước, đồng thời, thúc đẩy thị trường trong nước. Những hoạt động của ngành thủy sản được triển khai một cách trọng tâm, trọng điểm.
Theo Chương trình Quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2021 – 2030, đến năm 2030 sản lượng nuôi trồng thuỷ sản đạt 7 triệu tấn/năm, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động.
Mục tiêu cụ thể, giai đoạn 2021 - 2025: Đến năm 2025, tổng sản lượng nuôi trồng thuỷ sản đạt 5,6 triệu tấn/năm, kim ngạch xuất khẩu đạt 7,8 tỷ USD/năm, tốc độ tăng trưởng giá trị nuôi trồng thuỷ sản đạt trung bình 4%/năm. Chủ động sản xuất, cung ứng được trên 50% nhu cầu tôm sú bố mẹ và trên 25% nhu cầu tôm thẻ chân trắng bố mẹ, trên 70% nhu cầu cá tra bố mẹ chọn giống; Chủ động sản xuất, cung ứng đủ con giống các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao và khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn. Đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng đầu mối thiết yếu đáp ứng yêu cầu sản xuất cho trên 30 vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung và vùng sản xuất giống tập trung. Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ, đảm bảo đầu ra ổn định cho trên 30% sản lượng sản phẩm nuôi trồng thuỷ sản.
Giai đoạn 2026 - 2030: Đến năm 2030, tổng sản lượng nuôi trồng thuỷ sản đạt 7 triệu tấn/năm, kim ngạch xuất khẩu đạt 12 tỷ USD/năm, tốc độ tăng trưởng giá trị nuôi trồng thuỷ sản đạt trung bình trên 4,5%/năm. Chủ động sản xuất, cung ứng được trên 60% nhu cầu tôm sú, tôm thẻ chân trắng bố mẹ và 100% cá tra bố mẹ chọn giống; Cải thiện chất lượng con giống các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao và khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn. Đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng đầu mối thiết yếu đáp ứng yêu cầu sản xuất cho trên 50 vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung và vùng sản xuất giống tập trung. Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ, đảm bảo đầu ra ổn định cho trên 50% sản lượng sản phẩm nuôi trồng thuỷ sản.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, việc phát triển nuôi trồng thuỷ sản góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, xóa đói giảm nghèo, ổn định phát triển kinh tế xã hội nhiều vùng nông thôn, vùng núi, ven biển... Giai đoạn này, dư địa còn lớn, chúng ta phải tính giải pháp xuyên suốt 2 giai đoạn 2021 - 2025 và 2026 - 2030. Vấn đề trong nuôi trồng thuỷ sản hiện nay là hạ tầng và môi trường, môi trường kém thì hiệu quả nuôi thấp, không có sức cạnh tranh...
Tuân Nguyễn