Liên kết đào tạo nghề: Giúp người lao động nhanh tìm được việc
![]() |
Đó là hướng đi của nhiều trường cao đẳng, đại học nghề hiện nay, thông qua các mô hình liên kết, hàng nghìn sinh viên đã được tạo điều kiện thực tập và có cơ hội việc làm tại các doanh nghiệp. Khoảng cách giữa đào tạo và sử dụng lao động vì thế đã được rút ngắn đáng kể.
Nguyễn Anh M. cựu sinh viên khoa Thiết kế vỏ tàu của Trường ĐH Hàng hải Việt Nam. Dù mới tốt nghiệp đại học 1 năm song hiện Minh đã được nhận vào làm việc tại Công ty CP Công nghiệp tàu thủy Shinec.
Chia sẻ về quãng thời gian còn ngồi trên ghế giảng đường đại học, M. cho biết, em đã không bỏ lỡ cơ hội nào và tận dụng hết thời gian cho việc học tập, làm thêm để tích lũy kinh nghiệm. Đó chính khoảng thời gian vất vả, bươn chải đã giúp em tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm cho công việc sau này của mình.
Tuy nhiên những trường hợp như M. không nhiều, hầu hết các trường hiện nay chỉ đào tạo theo chương trình mình có, được xây dựng sẵn mà không chú trọng đến nhu cầu thị trường, nhu cầu ngành nghề mà doanh nghiệp cần. Điều đó dẫn đến việc nhiều sinh viên ra trường chưa có định hướng nghề nghiệp đúng với nhu cầu thị trường và sở trường cá nhân, lúng túng khi áp dụng lý thuyết vào thực tế, yếu về ngoại ngữ và tin học.
Một nguyên nhân khác theo Ths Trần Ngọc Thái, khoa Công nghệ thông tin, Trường CĐ công nghệ Viettronics thì cho rằng, sở dĩ chất lượng đào tạo và thực tế công việc còn khoảng cách khá xa một phần bởi cơ sở vật chất, điều kiện thực hành trong các trường hiện nay còn quá thiếu thốn hoặc nếu có thì cũng khác quá xa với công việc.
Trong khi thiết bị sản xuất, máy móc… trong các đơn vị sử dụng lao động thì ngày càng hiện đại. Chính sự không đồng bộ giữa đào tạo và thực tế công việc đã khiến sinh viên sau khi ra trường không đủ khả năng phục vụ cho công việc. Nhiều sinh viên lúng túng trước những yêu cầu của đơn vị sử dụng lao động.
Vì những nguyên nhân trên mà thời gian gần đây, các trường đại học, cao đẳng đã bắt đầu chú trọng hơn tới việc tạo điều kiện cho sinh viên cọ xát, thực hành với công việc ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Những mô hình gắn kết giữa nhà trường - doanh nghiệp đã dần dần được hình thành và phát huy lợi thế, điển hình như mô hình liên kết doanh nghiệp của Trường ĐH Dân lập Hải Phòng hay mô hình “2+1” của Trường CĐ công nghệ Viettronics…
Theo đó, nhà trường sẽ nhận đơn hàng từ các doanh nghiệp trong đó có những khoản hỗ trợ giảng dạy, sinh viên được đi thực tế tại chính doanh nghiệp đặt hàng đào tạo. Các em được nhận một khoản hỗ trợ từ doanh nghiệp, trong khi đó chính nhà trường cũng không phải đầu tư hệ thống máy móc để sinh viên thực hành. Với cách liên kết này, vừa giúp tiết kiệm ngân sách đầu tư lại vừa giúp sinh viên tiếp cận được với những công nghệ mới.
Bà Thu Hạnh, phụ trách nhân sự Công ty TNHH nội thất Ngọc Lan phân tích, nhìn từ góc độ doanh nghiệp, việc doanh nghiệp tiếp nhận sinh viên vào thực tập, thực hành công việc là một cách giúp doanh nghiệp có cơ hội tìm kiếm được những người có đủ khả năng, có tinh thần trách nhiệm cao đáp ứng được yêu cầu công việc và tiết kiệm chi phí và thời gian đào tạo lại người lao động.
Đối với sinh viên, thời gian được tham gia thực tập tại doanh nghiệp giúp rút ngắn những khoảng cách đang tồn tại giữa việc học và việc làm. Các bạn sinh viên có điều kiện được làm việc như một nhân viên thực sự, được tham gia vào những quy trình sản xuất… để khi ra trường không cảm thấy bỡ ngỡ. Và cuối cùng, từ góc độ xã hội, những mô hình liên kết trên sẽ góp phần đào tạo được một đội ngũ nhân lực giàu về kinh nghiệm, mạnh về kĩ năng chuyên sâu và nghiệp vụ, đáp ứng được nhu cầu phát triển của xã hội.