Lê Văn Lương: Đảng viên ưu tú lứa đầu của Đảng
Dấn thân làm cách mạng từ sớm
Theo tài liệu tại lễ kỉ niệm, Lê Văn Lương tên thật là Nguyễn Công Miều, sinh ngày 28/3/1912 tại xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Cũng giống như nhiều nhà cách mạng đương thời, Lê Văn Lương được sinh ra và lớn lên trong một gia đình Nho học và khoa bảng.
Đáng chú ý, Lê Văn Lương sớm giác ngộ tinh thần yêu nước và cách mạng. Do vậy ngay từ năm mới 15 tuổi (năm 1927), Lê Văn Lương đã gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Hai năm sau (tháng 6/1929), ông gia nhập Đông Dương Cộng sản Đảng - một trong 3 tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam và trở thành đảng viên thế hệ đầu tiên của Đảng.
Đánh giá về nhà cách mạng Lê Văn Lương, Nhà sử học GS Vũ Minh Giang cho rằng: “Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, đồng chí Lê Văn Lương luôn thể hiện là một người cộng sản chân chính, vì nước, vì dân, vì sự nghiệp của Đảng. Đồng chí Lê Văn Lương đã trải qua nhiều trọng trách mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Ở bất cứ vị trí nào, Lê Văn Lương đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, luôn nêu gương sáng về lòng tận tụy, trung thành, cần, kiệm, liêm, chính, luôn đặt lợi ích cách mạng lên trước hết và trên hết. Trong đó, thời gian ông làm Bí thư Thành ủy Hà Nội (từ năm 1976 đến 1986) được đánh giá rất cao”.
Nói thêm về quá trình công tác, GS Vũ Minh Giang nhận định: “Khi đảm nhiệm vai trò Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng, Lê Văn Lương đã có nhiều đóng góp đối với sự nghiệp xây dựng Đảng ngày càng lớn mạnh. Trong đó 10 năm lãnh đạo Thủ đô, ông đã chăm lo cuộc sống của nhân dân thành phố… và giờ đây tên ông được đặt cho một trong những con đường mới, hiện đại nhất Hà Nội”.
Đảng viên kiên trung, mẫu mực
Đánh giá dưới góc độ sử học về quá trình hoạt động của đồng chí Lê Văn Lương, GS Vũ Minh Giang cho rằng: “Với gần 70 năm hoạt động và cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, trong đó có gần 15 năm bị giam cầm trong nhà tù thực dân (hơn 11 năm bị giam giữ ở Côn Đảo), đồng chí Lê Văn Lương luôn giữ vững khí tiết cách mạng, phẩm chất của người cộng sản, “biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng”.
Ở bất cứ thời kỳ nào, Lê Văn Lương luôn thể hiện tấm gương mẫu mực, kiên trung, là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; luôn trung thành, tận tụy với Đảng, với Tổ quốc; hết lòng, hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Với những cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Do đó, Huân chương Sao Vàng, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác chỉ là những “chấm phá” điểm tô cho cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Lê Văn Lương”.
Với riêng Hà Nội, trong số các lãnh đạo Thủ đô thì những cái tên như Trần Duy Hưng, Vương Thừa Vũ, Lê Văn Lương được người dân nhắc đến với sự kính trọng và biết ơn sâu sắc. Tên của họ được đặt cho những con phố mới, trường học tại Thủ đô chính là sự tri ân rõ ràng nhất cho tình cảm ấy của người dân Thủ đô dành cho các nhà cách mạng kiên trung của Đảng ta.
Sáng sáng đi làm qua phố Lê Văn Lương (TP Hà Nội), nhiều độc giả rất thích những gánh hàng hoa bán rong ven đường. Đặc biệt, con phố này mang tên Lê Văn Lương – một trong những nhà cách mạng xuất sắc nhất thời kỳ đầu của Đảng ta.
Nam Phương