Lê Cát Trọng Lý: Đầu trọc ấn tượng, về quê hát tâm hồn mình
Tối 23/11, cô ca sĩ xinh xắn người Đà Nẵng Lê Cát Trọng Lý trở lại với khán giả quê nhà sau 2 năm “vắng bóng” ở mọi sân khấu trên khắp cả nước bằng đêm nhạc “Mùa thu trong em”. Trước thềm đêm diễn, Lê Cát Trọng Lý đã tâm sự:
Trở lại Đà Nẵng sau 2 năm "vắng bóng", Lê Cát Trọng Lý ấn tượng với kiểu tóc nhẵn bóng... (Ảnh: HC) |
Lý do để em tổ chức chương trình này cũng rất đơn giản. Đã hai năm nay em chưa có dịp về Đà Nẵng là quê hương của mình để hát. Năm nay em rất quyết tâm và mong muốn được hát ở quê hương, được hát cho càng nhiều người nghe càng tốt. Và làm sao để mọi người không cảm thấy quá khó khăn để đến rạp hát. Đó là nguyện vọng lớn nhất của Lý!
Tìm lại “mùa thu Đà Nẵng”…
Sau 2 năm Lý mới trở lại Đà Nẵng với một chương trình mang tên “Mùa thu trong em”. Nhưng thật ra Đà Nẵng hầu như không có mùa thu. Vậy không hiểu “mùa thu trong em” mà Lý mang về Đà Nẵng lần này là mùa thu thế nào? Có phải là mùa thu Đà Nẵng hay là mùa thu từ nơi nào đó?
Lê Cát Trọng Lý: Mùa thu này là mùa thu Đà Nẵng. Vì từ bé, lúc em vào tuổi dậy thì, bắt đầu biết nhận thức thì mùa thu Đà Nẵng đối với em kéo dài khoảng 15 ngày. Đó là những ngày có lá bay, một ít nắng vàng và hay mưa nhẹ nữa. Thời gian đó rất ngắn, và những năm gần đây thì hầu như biến mất, chỉ còn mùa mưa và mùa nắng. Nhưng ký ức của em về mùa thu Đà Nẵng thì quá sức sâu đậm, làm em luôn bị ám ảnh cho dù em đi Sài Gòn, Hà Nội hay nước ngoài. Em muốn chia sẻ “mùa thu trong em” với ký ức đó, song bằng con người của hiện tại.
Đối tượng khách mà Lý nhắm tới trong chương trình “Mùa thu trong em” là gì?
Lê Cát Trọng Lý: Thực ra từ khi làm nhạc đến nay em chưa hề nhắm đối tượng khách là đối tượng nào mà em chỉ mong muốn mình hát cái mà nó giống mình nhất, thật với mình nhất. May mắn có người nào yêu mến mình thì đó là đối tượng phục vụ của mình. Cho nên lần này dù là sinh viên hay người lớn tuổi, công nhân hay nhân viên văn phòng…, miễn ai yêu mến và dành tình cảm cho Lý thì đều là đối tượng để Lý phục vụ trong đêm nhạc “Mùa thu trong em”.
Trong quá trình sáng tác của mình, có bài hát nào Lý thấy mang nặng dấu ấn của quê hương, của gia đình, bè bạn? Và trong đêm nhạc “Mùa thu trong em”, Lý có dự định thể hiện các ca khúc đó hay không?
Lê Cát Trong Lý: Thực ra trong các ca khúc của em hầu như mang nặng rất nhiều dấu ấn của quê hương. Những dấu ấn ấy qua các bài hát của em là nắng, gió và cây. Đặc biệt là cây và rừng. Đó là điều mà ở những TP lớn khác rất hiếm có, muốn đi đến một chỗ có nhiều cây thì phải đi rất xa, hoặc vào công viên. Nhưng công viên ở các TP lớn lại không có mùi rừng. Còn ở Đà Nẵng, chỉ lên Sơn Trà tí xíu thôi thì đã nghe mùi thơm của lá cây, mùi thơm của rừng.
Hầu như các bài hát của Lý đều có thiên nhiên trong đó rất nhiều, và đó là thiên nhiên của quê hương Đà Nẵng. Trong chương trình sắp tới, Lý sẽ hát một ca khúc có rất nhiều tình cảm và có mùi vị, không gian của quê hương mình. Ví dụ như trăng mùa thu, mùi rừng thơm mùi lá cây, hay là dòng sông… Lý nghĩ tất cả đó là những hình ảnh, những ký ức đậm nét nhất lưu dấu hình ảnh của quê hương trong ca khúc của Lý.
Làm sao cho mọi người không quá khó để đến nhà hát!
Hai năm rồi khán giả Đà Nẵng mới gặp lại Lý kể từ sau tour “Vui” nên mọi người cũng rất muốn biết những việc Lý đã làm trong 2 năm qua?
Lê Cát Trọng Lý: Lần diễn ở Đà Nẵng cách đây 2 năm trong tour xuyên Việt ”Vui” cũng là lần cuối cùng em diễn trên sân khấu của một TP lớn. Sau khi kết thúc tour “Vui”, em dành hẳn 2 năm vừa rồi để học lại, vì sau một chuyến đi dài và làm việc nhiều như vậy ở độ tuổi quá trẻ thì em phát hiện và biết ra được rất nhiều khiếm khuyết của mình. Khi đó em đứng giữa những sự chọn lựa: Nên học ở đâu, trong nước hay nước ngoài, và học như thế nào?
Vào thời điểm đó em được một người tài trợ cho đi học ở Canada, nhưng sau đó em suy nghĩ và quyết định ở lại Hà Nội để học. Cách học của em đơn giản lắm. Mình phải sống trong một môi trường có nhiều nghệ sĩ, nghệ nhân hàng đầu, đi xem rất nhiều triển lãm, một lần không đủ, cứ làm đi làm lại, làm đi làm lại, và dành hẳn thời gian ra để sáng tác. Thời gian biểu diễn của em bị giảm lại, không thể làm nhiều được, không thể chạy sô nhiều được, và mọi thứ giống như nó bị “đông cứng” lại.
Nhưng em cảm giác mình có được một khoảng “hở” để còn phải trưởng thành nữa. Em nghĩ, nếu mình không trưởng thành thì chắc công việc cũng chả đi đến đâu, về mặt tâm hồn lẫn về mặt xã hội. Nên hai năm đó là hai năm để em suy nghĩ về sự trưởng thành và học, thậm chí nó kéo dài cho đến bây giờ chứ không phải đã xong rồi. Nhưng vào lúc này thì em quá mong ước được hát cho mẹ nghe, với lại mấy dì của em cũng ít được nghe em hát lắm. Cho nên em về nhà!
Lúc nãy Lý có nói “làm sao để mọi người không cảm thấy quá khó khăn để đến rạp hát”, nghĩa là sao?
Lê Cát Trọng Lý: Từ rất lâu em đã mong muốn được hát ở Đà Nẵng, làm sao mang được một chương trình về quê hương mình mà nó giống mình nhất, nhiều tình cảm nhất và phục vụ được nhiều người nhất. Đó không phải là một bài toán dễ tính và dễ làm vì nó liên quan đến rất nhiều vấn đề, như sản xuất, làm chương trình, truyền thông, ban nhạc và cả về tài chính nữa…
Thời gian trước thì Lý không thể làm được. Nếu muốn mang đến một giá vé phù hợp để người dân Đà Nẵng mua được mà mình đủ sức để làm, tự tin để làm và không bị ảnh hưởng đến quyền lợi của bất cứ ai thì những năm trước Lý không đủ trưởng thành và không đủ khả năng để làm. Cái mong muốn lớn nhất mà Lý muốn chia sẻ với mọi người đó là tình cảm. Mà tình cảm đó còn phải đi kèm với sự trưởng thành nữa.
Khi em nghĩ đến người dì của mình có khi cả một đời chưa vào nhà hát Trưng Vương thì cũng sẽ có rất nhiều người như vậy. Vậy thì mình phải làm sao… Mình cứ hát thôi, và nếu mình làm được tiếp thì sẽ tạo thói quen cho mọi người quay lại nhà hát với một điều kiện mà người ta có thể lo được, giá vé không quá cao nhưng chương trình phải tốt chứ không thể tệ được. Đó là mong muốn của em và đơn vị tổ chức là Công ty Trí Tuệ Kim Cương, rất mong muốn lần này có thể chia sẽ với mọi người điều mà bọn em suy nghĩ.
nhưng vẫn giữ được những nét rất hồn nhiên, tươi trẻ! (Ảnh: HC) |
Với nhiều điều muốn chia sẻ như vậy thì liệu chỉ tổ chức một đêm diễn có ít quá không?
Lê Cát Trọng Lý: Em sợ không có người đi xem. Lúc đầu muốn làm hai đêm lắm nhưng sợ không có người đi xem. Không có người đi xem thì khổ lắm, không có tiền để mà làm. Vì lần này em không có bất cứ nhà tài trợ nào giúp em hết. Em phải sắp xếp sao cho hợp lý và kêu gọi sự giúp đỡ của anh em bạn bè. Ba em giúp em đi xin nhà hát Trưng Vương, hỏi chú Thậm (nhạc sĩ Đình Thậm, Giám đốc Nhà hát Trưng Vương - PV) thuê nhà hát như thế nào, chị thì giúp em đi xin giấy phép, các anh chị Công ty Trí Tuệ Kim Cương thì giúp em lo công tác tổ chức. Một mình em không làm được. Nên em làm nhỏ thôi, nhưng mong muốn của em là làm nhỏ mà nó tốt trước tiên cái đã, rồi sau đó tính tiếp! Hì hì…
“Chưa bao giờ nghĩ mình là người sáng tác hay ca sĩ chuyên nghiệp!”
Lý có thể “bật mí” cho khán giả những điểm mới trong đêm nhạc “Mùa thu trong em”?
Lê Cát Trọng Lý: Đương nhiên là những cái mới, có những phần khác mà Lý chưa bao giờ biểu diễn ở nơi nào hết. Lâu nay mọi người biết Lý chỉ toàn hát ca khúc của mình, nhưng lần này Lý xin được hát những ca khúc của những nhạc sĩ khác mà Lý rất yêu mến, rất là thích, thực sự thích. Vì mình cảm thấy tâm hồn của mình được “chạm” với tâm hồn của họ. Lý tin rằng đó là những ca khúc hay, và nguyện vọng của Lý là được chia sẻ những ca khúc rất là hay như vậy với những người mình rất yêu mến.
Bên cạnh đó Lý cũng hát một số ca khúc của Lý nhưng là những ca khúc mới, và cũng theo cách chia sẻ những suy nghĩ, tình cảm của mình. Nghĩa là một bên Lý chia sẻ những suy nghĩ, tình cảm của mình, và một bên Lý chia sẻ những ca khúc Việt Nam quá hay. Khi mình biết một cái hay như vậy thì mình rất mong muốn được mang đến cho mọi người cùng nghe. Còn chi tiết như thế nào, nếu Lý nói trước thì nó sẽ mất đi sự hấp dẫn đối với khán giả trong đêm nhạc.
Khán giả thường biết về Lý như là một người sáng tác ca khúc nhiều hơn là một người biểu diễn. Trong những lần xuất hiện trước, Lý đều chỉ hát ca khúc của mình, riêng lần này có thêm ca khúc của các tác giả khác nữa. Như vậy Lý muốn định hình mình là một ca sĩ biểu diễn hay là muốn khẳng định mình là một người sáng tác?
Lê Cát Trọng Lý: Em cũng nói thật, em chưa bao giờ nghĩ mình là một người sáng tác chuyên nghiệp hay một ca sĩ chuyên nghiệp. Đó là điều em thú thật, vì cũng không có đủ khả năng về chuyên môn để tự nhận mình là một người sáng tác chuyên nghiệp hay ca sĩ chuyên nghiệp. Trên thế giới có một mô hình là những người hát tâm hồn của họ mà tạo nên những huyền thoại như John Lenon, Bob Dylan… Em cảm thấy mình thần tượng hình mẫu đó từ năm 16 – 17 tuổi. Em vẫn đi học nhạc bình thường nhưng về tinh thần thì em bị thấm đẫm cái đó và luôn muốn làm như vậy. Còn trong dịp này em hát ca khúc của những người khác là vì nó quá hay chứ không phải vì em nghĩ em có khả năng hát hay.
Em nghĩ những ca khúc này quá cảm xúc, em được hát cảm xúc thật những ca khúc này và tin rằng mình có thể chia sẻ được vẻ đẹp của ca khúc này với những người đồng điệu với mình, họ cũng sẽ cảm nhận được tâm tư, tình cảm của những người sáng tác nên các ca khúc đó. Đó là mong muốn lớn nhất của em khi hát ca khúc của các nhạc sĩ khác.
“Em là người Việt Nam hát bằng tiếng Việt Nam”
Trong đêm nhạc “Mùa thu trong em”, Lý có mong muốn đem lại điều gì đó khiến những người trẻ hôm nay suy nghĩ nhiều hơn, sâu sắc hơn nữa về cuộc sống của họ và trách nhiệm đối với xã hội?
Lê Cát Trọng Lý: Thực sự đây là một câu hỏi vừa hay, vừa khó. Trong chương trình sắp đến, không gian Lý mong muốn mang đến và mở ra là một không gian mà giới trẻ hiện nay gần như bị mất rất là nhiều. Lý nghĩ, cuộc sống hiện đại có quá nhiều phương tiện nên đời sống của mỗi người bị dàn trải rất nhiều, và thời gian dành cho cái không gian văn hóa riêng cho mình và của mình với người khác càng ngày càng ít đi.
Lý không biết trong các ca khúc mình sáng tác có chủ đích chia sẻ gì không. Lý không biết được, vì Lý chỉ làm theo cái mà Lý nghĩ là hợp với mình thôi. Nhưng trong đêm nhạc tới đây, Lý sẽ chia sẻ một không gian có những cái hiếm khi xảy ra trên sân khấu ca nhạc. Lý xin “bật mí” tí xíu thôi, không gian ấy sẽ có mùi hương trầm, có sách, có đèn… giống như trong thư phòng của những người yêu văn học, văn hóa và tri thức ngày trước, để những người yêu mến Lý có dịp thưởng thức không chỉ âm nhạc mà còn là màu sắc, mùi vị của một không gian văn hóa mà những người trẻ như Lý bây giờ ít khi gặp được.
Âm nhạc của Lý thời gian qua có sự chăm chút về mặt ngôn ngữ, ca từ rất kỹ và tạo được nhiều ấn tượng cho người nghe. Lý có thể cho biết định hướng sắp tới của mình sẽ như thế nào không?
Lê Cát Trọng Lý: Em là một người Việt Nam, hát bằng tiếng Việt Nam chứ không phải bằng thứ tiếng nào khác. Em nghĩ nhiệm vụ và mơ ước của mình là làm cho mọi người thấy vẻ đẹp của ngôn ngữ chúng ta. Ngôn ngữ của chúng ta đẹp một phần nhờ giai điệu, vì ngôn ngữ của chúng ta có điệu tính mà, có nhạc tính hết. Giai điệu trong ngôn ngữ của chúng ta không phải thuộc dạng giai điệu tự do mà rất nền nã, thắm thiết, nhiều tình cảm.
Có một lần em hát ở Na Uy, cách đây 3 năm, có một bạn hỏi em “mày hát tiếng gì mà hay quá vậy?”, em kêu “Tao hát tiếng Việt”. “Tiếng Việt mà như vậy ư?”, bạn ấy tỏ vẻ ngạc nhiên. Em kêu: “Ừ, tiếng Việt là như vậy”. Và càng ngày em càng gặp nhiều người nước ngoài cũng hỏi em hát tiếng gì vậy, em trả lời em là người Việt thì em hát tiếng Việt. Điều đó rất là khích lệ em, rằng mình có một con đường để mà chia sẻ vẻ đẹp ngôn ngữ của mình và tâm hồn của người Việt cho bạn bè khắp nơi.
Em rất muốn chia sẻ điều này: Tại sao mình làm nhạc theo kiểu Mỹ mãi mà vẫn khó hay? Vì đời sống của mình để tiếp cận với cái đó còn quá ít thời gian, khoảng 20 năm, trong khi người ta sống mấy trăm năm rồi nên nó phải khác nhau. Nhưng đời sống người Việt mình đã mấy nghìn năm thì tự nhiên là nó hay thôi, đời sống văn hóa nó tự hay thôi.
Niềm vui và mơ ước của em là chia sẻ với người nghe rằng tôi thấy hay như vậy, bạn có thấy hay như vậy hay không, chứ em không nghĩ mình cố gắng hát hay, vì em không biết như thế nào là hát hay nữa. Em chỉ biết cảm nhận là cái ngôn ngữ của mình nó hay và nó đẹp quá, và mình muốn chia sẻ với người khác thôi. Và định hướng lâu dài của em là như vậy: Nếu cần sống cả đời để chia sẻ vẻ đẹp và giai điệu của ngôn ngữ Việt Nam thì em sẽ sống như vậy!
Xin cám ơn Lý và chúc Lý sẽ tiếp tục thành công trên con đường âm nhạc của mình!