Lãi suất tăng cao, tiền ồ ạt ‘chảy’ vào ngân hàng
Sau 2 lần NHNN điều chỉnh lãi suất điều hành từ 4% lên 5% và từ 5% lên 6%, thì cuộc đua tăng lãi suất huy động của các ngân hàng cũng nóng dần lên.
Đến nay, ngân hàng có mặt bằng lãi suất huy động cao nhất, lên tới 11,1%/năm là Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank).
Không riêng gì VPBank, nhiều ngân hàng cũng nâng lãi suất cao lên trên 10%/năm như ABBank, GPBank...
Các ngân hàng có lãi suất trên 9%/năm như SCB, VIB, Kienlongbank, MSB... đều áp dụng mức lãi suất trên 9,5%/năm; lãi suất tại BacABank 9,1%/năm; VietABank là 9,2%/năm; các ngân hàng như SHB, Sacombank, Techcombank… cũng đã niêm yết lãi suất huy động cao nhất trên 9%/năm.
Như vậy, sau một loạt đợt điều chỉnh, lãi suất tại các kỳ hạn trên 6 tháng ở nhóm ngân hàng tư nhân lớn đã tăng khoảng 3% so với hồi đầu năm và đã cao hơn so với giai đoạn trước dịch Covid-19.
Trong khi đó, lãi suất của nhóm ngân hàng quốc doanh gồm VietinBank, Vietcombank, BIDV và Agribank cao nhất là 8,2%/năm được VietinBank áp dụng cho các khoản tiền gửi trực tuyến. Còn lãi suất cao nhất tại Vietcombank là 7,4%/năm; tại BIDV và Agribank là 7,9%/năm.
Như vậy, chênh lệch lãi suất giữa các ngân hàng tư nhân lớn và nhóm quốc doanh hiện vào khoảng 1 - 2%, tùy từng kỳ hạn và hình thức gửi.
Đánh giá về việc NHNN 2 lần điều chỉnh lãi suất, theo chuyên gia kinh tế TS Lê Xuân Nghĩa, khi lạm phát toàn cầu vẫn ở mức cao, Fed và các ngân hàng trung ương lớn liên tục điều chỉnh tăng lãi suất mục tiêu và dự báo còn tiếp tục tăng trong các tháng cuối năm 2022 và năm 2023 thì việc tăng lãi suất của NHNN được xem là một biện pháp quan trọng để chống lạm phát.
“Việc NHNN tăng lãi suất là một phản ứng chủ động, kịp thời để giảm bớt các áp lực lạm phát”, TS Lê Xuân Nghĩa nói.
Lãi suất huy động tăng, thu hút người gửi tiết kiệm
Lãi suất gửi tiết kiệm tăng cao đã thu hút được đông đảo người dân đến gửi tiết kiệm. Và dự kiến, trong những tháng cuối năm, lượng tiền gửi tại ngân hàng còn tăng cao nữa.
Chị Bích Diệp (ở Sơn Tây, Hà Nội) cho biết, thay vì chờ giá vàng giảm để mua, cách đây mấy hôm chị đã quyết định mang 300 triệu đồng ra ngân hàng gửi tiết kiệm.
“Lãi suất ngân hàng đang cao, tranh thủ có ít tiền nhàn rỗi nên tôi quyết định mang gửi ngân hàng 1 năm để lấy lãi”, chị Diệp nói.
Còn chị Nguyễn Huyền Hương (TP Vinh, Nghệ An) cho biết, trước đây có ít tiền đầu tư, lúc thì chị mua vàng, lúc lại góp vốn với bạn bè mua 1 mảnh đất nhưng mấy tháng gần đây, thị trường bất động sản ảm đạm, giá vàng cao và không ổn định nên chị quyết định mang tiền gửi tiết kiệm 1 năm với lãi suất 8,6%/năm.
Cập nhật mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tháng 9/2022, tiền gửi của khách hàng tại hệ thống các TCTD đã tăng thêm hơn 106.000 tỷ đồng. So với cuối tháng 8, tiền gửi của khách hàng tổ chức kinh tế đã tăng thêm gần 105.000 tỷ đồng đạt 5,78 triệu tỷ đồng; còn tiền gửi của dân cư tăng thêm 1.436 tỷ đồng, đạt 5,63 triệu tỷ đồng.
Như vậy, tính đến hết quý 3/2022, tiền gửi của toàn hệ thống tăng hơn 475.000 tỷ đồng, tương đương tăng 4,33%.
Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đắk Nông, hiện nay, gửi tiết kiệm ngân hàng vẫn đang thu hút dòng tiền nhàn rỗi của người dân khá hiệu quả.
Tính đến hết tháng 10/2022, tổng vốn huy động tại tất cả các tổ chức tín dụng trên địa bàn gần 18.000 tỷ đồng, tăng trên 22% so với thời điểm đầu năm.
Tại Hà Tĩnh, theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Tĩnh, từ khi NHNN điều chỉnh lãi suất tăng, mặt bằng lãi suất huy động và lãi suất cho vay ở các ngân hàng thương mại ở Hà Tĩnh cũng tăng. So với đầu tháng 9/2022, lãi suất huy động tiền VND đã tăng từ 0,5% đến 1%/năm ở nhiều kỳ hạn.
Còn Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Nghệ An cho biết, đến thời điểm 31/10/2022, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn ước đạt 190.659 tỷ đồng, so với đầu năm tăng 15.193 tỷ đồng, bằng 8,65%, cao hơn mức cùng kỳ năm 2021 (7,4%).
Hải Yến