Không ít doanh nghiệp công nghệ Việt Nam làm chuyển đổi số cho Mỹ, Nhật
Tại phiên chất vấn về nhóm vấn đề thứ 2 thuộc lĩnh vực TT&TT ngày 4/11, trả lời câu hỏi của các đại biểu Lý Văn Huấn (đoàn ĐBQH Thái Nguyên), Đào Chí Nghĩa (đoàn ĐBQH Cần Thơ) về vấn đề phát triển nhân lực CNTT, giải bài toán chảy máu chất xám thế nào khi doanh nghiệp ngoại trả lương gấp 6-7 lần, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, vấn đề chảy máu chất xám, nhân tài là thực trạng xuất hiện ở nhiều quốc gia.
Nhân tài là yếu tố quyết định trong làm chủ khoa học công nghệ, là nguồn lực cơ bản của quốc gia, tuy nhiên, đây lại là yếu tố thị trường quyết định. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đã trả mức lương tương đương nước ngoài, bắt đầu xuất hiện nhiều người lao động đang làm ở nước ngoài về Việt Nam. Dù vậy, người đứng đầu ngành TT&TT cho rằng Việt Nam cần có nhiều chính sách thu hút nhân tài hơn, vì không có nhân tài đất nước khó phát triển.
“Đã có doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao trả được mức lương tương đương doanh nghiệp nước ngoài. Vấn đề là các doanh nghiệp Việt Nam có tạo ra lợi nhuận cao không. Vì vậy bên cạnh yếu tố thị trường, Đảng, Nhà nước cũng cần có thêm chính sách thu hút nguồn nhân lực, và làm nhiều hơn nữa để có đủ nhân tài cho phát triển khoa học công nghệ”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu quan điểm.
Giải đáp thắc mắc của Đinh Công Sỹ, đoàn ĐBQH Sơn La về khả năng của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam trong việc phát triển các ứng dụng, nền tảng số phục vụ ngành giáo dục, Bộ trưởng khẳng định, doanh nghiệp Việt không những đáp ứng được mà còn đáp ứng tốt với giá phù hợp, rẻ hơn của nước ngoài.
Bộ trưởng cũng cho biết, chúng ta có các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đi làm chuyển đổi số cho những nước như Nhật, Mỹ thì không lý gì không làm được cho Việt Nam. Vấn đề là ngành giáo dục và các bộ, ngành, địa phương hãy đặt ra nhiều bài toán hơn nữa. Các bài toán càng thách thức, càng khó bao nhiêu thì đó chính là cách để cho doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam phát triển.
Cách đây 4 năm, số lượng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam dưới 40.000 và hiện đã tiến đến con số 70.000. Mục tiêu Chính phủ đặt ra là đến năm 2025 Việt Nam sẽ có 100.000 doanh nghiệp công nghệ số.
Nhấn mạnh các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam mong muốn có thêm nhiều việc, nhiều bài toán, Bộ trưởng kêu gọi các đại biểu Quốc hội, các cử tri, các doanh nghiệp hãy tin vào doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, trao cho các doanh nghiệp nhiều cơ hội hơn và đó là một trong những cách tự lực, tự cường Việt Nam.
Theo thống kê của Bộ TT&TT, ước tính đến hết tháng 9/2022, tổng số doanh nghiệp công nghệ số đã là 68.800, tăng trên 400 doanh nghiệp so với tháng 8/2022, đạt tỷ lệ xấp xỉ khoảng 0,698 doanh nghiệp/1.000 dân. Doanh thu ước đạt 2,55 triệu tỷ đồng (tương đương 109,5 tỷ USD), tăng 13% so với cùng kỳ trong đó doanh thu phần cứng, điện tử là 2,27 triệu tỷ đồng (tương đương 97 tỷ USD), chiếm gần 90% tổng doanh thu.
Minh Tú