Không để học sinh 'lạc lối' trên thế giới ảo
Thực hiện kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm tăng cường giáo dục đạo đức, pháp luật, kỹ năng sống cho học sinh, Trường Tiểu học Ngọc Thụy (Long Biên, Hà Nội) đã tổ chức tuyên truyền chuyên đề “Sử dụng mạng xã hội an toàn và văn minh” cho học sinh nhà trường.
Có thể nói, mạng xã hội hiện nay là công cụ hữu ích phục vụ mục đích học tập, cho phép các thành viên đăng tải nhiều tin tức như một bài báo, một tin nhắn, một chương trình trực tiếp… Bên cạnh đó, mạng xã hội còn có chức năng giải trí.
Tuy nhiên, các thông tin trên mạng xã hội thường thiếu sự giám sát, kiểm duyệt nên còn nhiều thông tin sai lệch, không chính xác dẫn đến người dùng tiếp nhận thông tin tiêu cực, ảnh hưởng đến tâm sinh lý.
Thông qua buổi tuyên truyền chuyên đề “Sử dụng mạng xã hội an toàn và văn minh”, Trường Tiểu học Ngọc Thụy đã giúp học sinh nhà trường hiểu cách dùng mạng xã hội văn minh như giữ phong cách tế nhị, tôn trọng, không làm phiền người khác, đặc biệt khi thể hiện quan điểm đối với các vấn đề của cộng đồng.
Ngoài ra, việc đăng tải hình ảnh bản thân mọi lúc, mọi nơi cũng là điều cần được cân nhắc thấu đáo, hiểu rõ những lợi hại trước mắt và lâu dài trước khi thực hiện.
Lời khuyên cho các em học sinh là hãy trở thành những người dùng mạng xã hội thông thái, cần hiểu rõ thông tin mới chia sẻ về trang cá nhân và đặc biệt không dùng những lời lẽ không hay cho đối phương trên không gian ảo.
Học sinh cũng nên chọn lọc các nguồn thông tin đúng đắn, nhìn nhận vấn đề một cách đa chiều, đừng vội phán xét cũng như chia sẻ, không thêm bớt nội dung và không gây kích động gây ảnh hưởng đến những người khác.
Những tình huống tuyên truyền rất thực tế của giáo viên nhà trường đã giúp các bạn học sinh tại Trường Tiểu học Ngọc Thụy nhìn nhận lại cách sử dụng mạng xã hội của bản thân và tự điều chỉnh cho phù hợp.
Các em học sinh không thể tự tách rời khỏi xu thế chung của xã hội được dẫn dắt bởi sự phát triển của công nghệ, nhưng các em cũng phải đủ tỉnh táo để không hùa theo đám đông khi chưa cân nhắc đúng sai, đặc biệt là không lãng phí quá nhiều thời gian cho việc sống ảo trên không gian mạng.
Ngoài ra, nhiều chuyên gia cho rằng đi đôi với việc thường xuyên làm tốt công tác giáo dục, định hướng để học sinh biết suy nghĩ, ứng xử đúng đắn, thông minh, có văn hóa trên mạng xã hội, các nhà trường cũng cần tiếp tục quan tâm, thường xuyên tổ chức sân chơi bổ ích, lành mạnh, hoạt động trải nghiệm thú vị để tạo sức hấp dẫn, làm phong phú hơn đời sống tinh thần cho học sinh, không để các em dành quá nhiều thời gian lang thang, lạc lối trên mạng ảo.
Hoàng Thanh