Trẻ nghiện game, mạng xã hội dễ mắc các tật khúc xạ mắt trầm trọng
Nghiện game, nghiện Tiktok
Trao đổi với phóng viên Infonet, Ths. BS Phạm Thị Hằng, Trưởng khoa Khúc xạ, Bệnh viện mắt Quốc tế DND cảnh báo thực trạng hiện nay rất nhiều trẻ thích chơi máy tính, điện thoại thông minh, thậm chí nghiện các game, mạng xã hội. Đây là hành vi hết sức phổ biến của con trẻ nhưng các bậc phụ huynh do không kiểm soát về thời gian sử dụng nên dẫn tới rất nhiều nguy cơ.
“Nhiều trường hợp dẫn tới trầm cảm, ngại tiếp xúc, ảnh hưởng rất nhiều tới tâm lý và kết quả học tập của trẻ”, Ths. BS Phạm Thị Hằng cảnh báo.
Trong khi đó TS. BS Trần Thị Hồng Thu, PGĐ Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương từng tiếp nhận điều trị, can thiệp tâm lý cho một học sinh lớp 1 do "nghiện" TikTok. Mẹ cháu bé than phiền rằng con gái suốt ngày xem TikTok trên điện thoại mà bố mẹ đưa cho để học online đợt dịch bệnh căng thẳng.
Sau đó, cô bé bắt chước theo những clip nổi tiếng trên TikTok với những câu hát và động tác nhảy múa. Mới đầu bố mẹ thấy việc con bắt chước rất giống thì có phần “thán phục”, để kệ cho con vui vẻ nhưng càng ngày con càng lạm dụng.
Lâu dần con bắt đầu không cần bố mẹ quay clip giúp mà tự quay. Chiếc điện thoại cho con dùng để học trực tuyến trước đây thì nay toàn các clip TikTok của con.
Đáng ngại hơn, không chỉ bắt chước những "trend" nổi tiếng trên TikTok, bé tự nghĩ ra những động tác để nhảy nhót, làm những trò hết sức kỳ quặc, nói những câu vô nghĩa… để "sản xuất" clip. Cô bé học hành chểnh mảng, dành rất nhiều thời gian vào niềm vui TikTok.
Gia tăng cận thị
Khi trẻ sử dụng máy tính, điện thoại hay các thiết bị điện tử khác nhiều dẫn tới việc mắt phải điều tiết liên tục, từ đó nảy sinh nguy cơ những tổn thương đáy mắt ảnh hưởng tới thị lực. Nhược thị, lác và những tổn thương võng mạc như đục dịch kính, bong dịch kính, bong võng mạc là những nguy cơ ảnh hưởng tới thị lực và thẩm mỹ, thậm chí mất thị lực vĩnh viễn.
“Hiện nay, có tới 80% trường hợp các em học sinh, sinh viên mắc các tật khúc xạ về mắt mà nguyên nhân có thể kể đến như các bạn ngồi học sai tư thế, sử dụng các thiết bị điện tử quá nhiều, quá lâu và trong số đó, có tới 58% các bạn học sinh, sinh viên đang đeo những cặp kính chưa tối ưu (sai số, sai tròng, không đúng với số đo tật khúc xạ thực tế) hoặc chưa đeo kính, không đeo kính thường xuyên.
Nguyên nhân là do các bạn còn chủ quan về tình trạng mắc tật khúc xạ của mình như đi khám, đo thị lực tại các cơ sở không đủ quy trình chuẩn; không đeo kính hoặc sử dụng một số phương pháp điều trị mang tính truyền miệng mà không hề hiểu rõ về tật khúc xạ nên vô tình làm cho tình trạng ngày một nặng hơn”, Ths. BS Phạm Thị Hằng thông tin.
Để đảm bảo an toàn cho đôi mắt của trẻ, Ths. BS Phạm Thị Hằng khuyến cáo các gia đình chỉ nên cho trẻ sử dụng các thiết bị điện tử tối đa 45 phút thì nghỉ ngơi 10-15 phút nhìn xa. Một ngày tối đa nên dừng ở 2 tiếng sử dụng máy tính. Đối với trẻ nhỏ dưới 3 tuổi thì tốt nhất hạn chế hoặc không nên tiếp xúc với màn hình điện tử.
“Đặc biệt, phụ huynh cần giám sát, tuyệt đối không để con chơi các game hoặc nội dung không phù hợp với trẻ em”, BS Hằng nhấn mạnh.
Đối với tivi, nên xem ở khoảng cách bằng 7 lần chiều rộng của màn hình tivi, khoảng 3,5m với TV 21 inch, tránh để trẻ ngồi quá gần tivi. Vệc xem tivi khiến trẻ ít phát triển các kỹ năng về thị giác, do đó nên giới hạn thời gian cho trẻ xem tivi khoảng 1 đến vài giờ/ngày, tùy theo độ tuổi. Nếu trẻ có tật khúc xạ, nên đeo kính khi xem tivi nhằm giúp nhìn rõ và thoải mái về thị giác.
Ngoài ra thay vì lệ thuộc vào điện thoại, tivi, sau mỗi ngày con ở trường về các bậc phụ huynh nên hướng trẻ tham gia các hoạt động thể thao và tham gia các hoạt động ngoài trời để giúp mắt hết căng thẳng. Bởi vì các hoạt động thể thao thường đòi hỏi thị giác xa hơn là thị giác gần”, BS Hằng cho biết.
Theo vị chuyên gia về mắt, muốn đề phòng cận thị học đường phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình, y tế và chính bản thân học sinh cũng phải có ý thức giữ gìn đôi mắt.
Gia đình và nhà trường cần giúp các con hiểu tác hại của sử dụng thiết bị công nghệ sai cách; hạn chế thời gian tiếp xúc với màn hình theo quy tắc vệ sinh thị giác 20-20 (sau khi nhìn màn hình 20 phút thì nhìn xa và đếm chậm đến 20); tham gia các hoạt động thể thao ngoài trời... Ngoài ra, tăng cường thức ăn, thuốc uổng bổ mắt có vitamin A, D, E, Lutein Zeaxanthin tốt cho mắt.
Khi trẻ có vấn đề như mỏi mắt, nhìn mờ nên đi khám tại các cơ sở chuyên khoa bệnh viện mắt để xác định đúng và đeo kính đúng số. Đeo kính sai số cũng là nguyên nhân khiến cận thị tiến triển.
N. Huyền