Khói thuốc lá là yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm nCoV
Tổ chức Y tế Thế giới và nhiều nghiên cứu khẳng định khói thuốc lá là yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2 và khiến bệnh cảnh lâm sàng nặng nề hơn.
Gần đây có một số nghiên cứu ban đầu đã đưa ra nhận định gây tranh cãi: những người hút thuốc lá ít bị nhiễm, mắc nặng do SARS-CoV-2 hơn những người không hút.
Nhận định này làm băn khoăn không ít các nhà nghiên cứu cũng như cộng đồng y học. Kết quả của các nghiên cứu này mâu thuẫn với các nghiên cứu trước đây đã cho rằng những người hút thuốc dễ mắc các bệnh nhiễm trùng, đặc biệt là nhiễm trung hô hấp.
Khói thuốc lá được biết sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng phổi với cả vi khuẩn và vi rút. Vậy SARS-CoV-2 có phải là một ngoại lệ?.
Bày tỏ quan điểm về nhận định này PGS.TS Đinh Ngọc Sỹ, Phó chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam cho rằng khói thuốc lá, ngoài việc phá hủy biểu mô rung mao của niêm mạc đường thở, làm giảm chức năng của thảm nhầy rung mao nên làm yếu đi cơ chế tự bảo vệ của phổi với các tác nhân gây bệnh, thì còn làm tổn hại nặng nề đến chức năng của các thành phần tế bào của phế nang.
Người hút thuốc lá ít bị nhiễm Covid-19? |
Đại thực bào phế nang, chiếm tới 90% các loại tế bào và là “đội quân chủ lực” chống lại sự sự xâm nhập của vi rút, vi khuẩn và các tác nhân gây bệnh khác bị vi rút tấn công đầu tiên.
Khói thuốc lá làm gia tăng biểu lộ của ACE-2 trong các tế bào phế nang typ 2 khiến vi rút dễ xâm nhập và làm rối loạn chức năng thực bào của đại thực bào phế nang, làm mất khả năng chống trả lại các tác nhân gây bệnh của phổi.
Hậu quả là tổn thương viêm phế nang, phá hủy cấu trúc phế nang lan tỏa, tạo màng trong (hyaline), lòng phế nang bị lấp đầy dịch rỉ viêm giàu fibrin, mất cấu trúc liên kết quanh phế nang và xuất hiện các cục máu đông trong lòng mạch…dẫn đến tình trạng “block phế nang-mao mạch”, mất khả năng trao đổi khí, giảm oxi máu trầm trọng, dẫn tới ARDS, khiến bệnh nhân rất dễ tử vong.
Vậy câu hỏi được đặt ra là “có thực sự những người hút thuốc lá ít bị nhiễm SARS-CoV-2 hay không?”
Trả lời câu hỏi này, PGS.TS Đinh Ngọc Sỹ cho rằng, nicotin là một cholinergic agonist và là chất ức chế cytokine tiền viêm có trong thuốc lá.
Nhiều tác giả cho rằng nicotin và khói thuốc làm tăng biểu lộ ACE-2 những một số người khác lại có quan điểm ngược lại, dẫn đến có những ý kiến cho rằng những người hút thuốc ít bị nhiễm SARS-CoV-2 hơn, ít phải nhập viện và tỷ lệ tử vong thấp hơn.
Tuy nhiên, cho đến nay, Tổ chức Y tế Thế giới và nhiều nghiên cứu khẳng định khói thuốc lá là yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2 và khiến bệnh cảnh lâm sàng nặng nề hơn.
TS. Katherine E. Lowe cùng các cộng sự, đã tiến hành nghiên cứu so sánh mức độ nặng của nhiễm SARS-CoV-2 trên các nhóm bệnh nhân chưa bao giờ hút thuốc lá và nhóm hút thuốc lá ở các mức độ khác nhau.
Kết quả cho thấy ở nhóm bệnh nhân hút thuốc lá trên 30 bao/năm tỉ lệ nhập viện cao hơn 2,25 lần so với nhóm không hút thuốc lá.
Những người nghiện thuốc lá nặng có nguy cơ tử vong cao hơn 1,89 lần sau khi nhiễm SARS-CoV-2 so với những người không bao giờ hút thuốc.
PGS.TS Đinh Ngọc Sỹ nhấn mạnh, khói thuốc lá cùng các chất độc hại có trong nó đã làm tổn hại nghiêm trọng tới chức năng bảo vệ của niêm mạc đường thở, dẫn tới con người dễ nhiễm và mắc các bệnh đường hô hấp gây ra do vi rút.
Tổn thương đường hô hấp do các loại vi rút sẽ mở đường cho nhiễm các loại vi khuẩn tiếp theo, gây bệnh cảnh viêm phổi càng nặng nề hơn, và SARS-CoV-2 không là một ngoại lệ.
H. Anh