Thuốc Monulpiravir 'cháy hàng' trên chợ mạng, giá tăng chóng mặt dù bị cấm bán
Thuốc điều trị kháng virus Monupiravir được Bộ Y tế cấp phép cho F0 sử dụng để đào thải nhanh virus và được cấp qua hệ thống y tế, nhưng trên thị trường thuốc này vẫn bán nhiều và giá tăng từng ngày.
Tại nhóm Thuốc điều trị Covid-19 trên Facebook, việc mua bán thuốc điều trị diễn ra công khai, nhiều sản phẩm thuốc như Monulpiravir, Favipiravir, Actemra, Remdessivir đặc biệt là thuốc kháng virus Monulpiravir, Favipiravir được nhiều người săn tìm.
Anh Nguyễn Hoàng Đức – Quận Đống Đa, Hà Nội, cho biết ba mẹ anh đều có tiền sử đái tháo đường nên anh lo lắng. Ngoài việc cố gắng phòng bệnh thì mấy ngày nay ông bà muốn con cái mua sẵn thuốc kháng virus vì sợ lúc bị bệnh không được phát thì nguy hiểm.
Anh Đức mới lên mạng tìm mua, anh thấy có 1 người trong TP.HCM bán giá 16 triệu/ hộp Monulpiravir hàng của Stella, Mỹ. Còn lại hàng Molaz của Ấn Độ giá rẻ hơn là 6,5 triệu đồng. Sau khi cân nhắc kỹ, anh Đức đành phải bỏ ra gần 13 triệu đồng để mua hai hộp Monulpiravir về dự phòng trong nhà. Anh Đức tâm sự “mỗi năm đều tốn vài chục triệu đồng để chăm lo sức khoẻ cho cả gia đình nên đắt đỏ cũng phải cố mua nếu không bệnh đến gõ của nhà mình thì mua đã muộn mà có khi còn không mua được”.
Thuốc được người mua tìm trên mạng với các báo giá siêu đắt đỏ. |
Anh Nguyễn Long – sống tại TP.HCM rao bán hàng Monulpiravir trên trang bán hàng Thuốc chữa Covid-19 cho biết, hiện hàng Monulpiravir 400 mg của Stella giá đắt nhất từ 14 – 16 triệu đồng/hộp khách hỏi nhiều cũng không có hàng để bán. Trước đó 2 tuần thuốc này chỉ được rao bán từ 8 đến 9 triệu đồng/hộp. Anh Long chỉ cố gắng gom được một ít thuốc từ Molnupiravir của Ấn Độ thành phần 200 mg giá cũng đẩy lên từ 6 triệu đồng tới 7 triệu đồng/hộp dành cho 1 bệnh nhân.
Trước đó, các thuốc Molnupiravir của Ấn Độ sản xuất cũng chỉ có giá 2,5 triệu đồng/hộp hiện tại lên gấp 2, gấp 3 lần.
Thuốc Monulpiravir trên 'chợ đen' giá tăng từng ngày. |
Đặc biệt, Monulpiravir 200 mg của hãng Mekophar (Việt Nam) dù chưa được cấp phép lưu hành chính thức nhưng cũng được rao bán với giá từ 4,6 triệu đến 5 triệu đồng/hộp.
Thuốc Monulpiravir 200 mg của hãng Mekophar trước đó đã nộp hồ sơ và đang đợi Bộ Y tế xem xét cấp số đăng ký lưu hành thuốc Movinavir. Được biết công ty này đã hoàn tất nhận chuyển giao công nghệ từ Ấn Độ, dự kiến khi được Bộ Y tế phê duyệt sẽ nhập thêm nguyên liệu và bắt tay ngay vào sản xuất nhưng hiện tại chưa có “visa lưu hành”.
Các thuốc Favipiravir, Favimol… cũng được chào bán với giá cắt cổ từ 5 đến 8 triệu đồng/hộp.
Molnupiravir là hoạt chất trong thuốc, có tác dụng kháng virus, đang trong giai đoạn thử nghiệm và chưa được cấp phép lưu hành tại Việt Nam. Tuy nhiên, thuốc này được xem là "vũ khí" quan trọng trong điều trị F0 tại nhà, do tác dụng giảm tải lượng virus khi sử dụng ở giai đoạn đầu mắc bệnh, từ đó giảm nguy cơ trở nặng và tử vong.
Một bác sĩ tại BV Đại học Y Hà Nội cho biết, việc mua thuốc kháng virus về dự phòng không cần thiết. Thuốc này không phải là thuốc phòng Covid-19. Nó là thuốc chữa bệnh, nhưng chỉ có tác dụng khi chưa bộc lộ bệnh. Nên ai chưa phải là F0 mà sử dụng thì thuốc thì không có tác dụng.
Thuốc có tác dụng làm giảm tử vong nếu dùng sớm, khi chưa kích hoạt quá trình viêm thì có tác dụng, sẽ làm tình trạng không trầm trọng. Còn khi đã xảy ra tình trạng nặng "Bão cytokin", sốt cao, ho, khó thở, giảm oxy máu, suy đa phủ tạng... thì thuốc này không có nhiều hiệu quả. Lúc đó các bác sĩ sẽ dùng những thuốc khác để cứu người bệnh. Ngay kể cả hãng Merk “cha đẻ” của Monulpiravie cũng chỉ khuyến cáo dùng cho bệnh nhân xét nghiệm dương tính với Covid-19. Ngay tại nước Mỹ thuốc này cũng như vắc xin mới chỉ nghiên cứu chưa được bán rộng rãi.
Theo Quyết định 5666/QĐ-BYT của Bộ Y tế về việc sửa đổi, bổ sung một số điểm của Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19, trong nước hiện có 3 thuốc kháng virus dùng điều trị người bệnh Covid-19 là Remdesivir, Favipiravir và Molnupiravir.
Bộ Y tế nêu rõ, nguyên tắc điều trị đối với thuốc kháng virus là: Đối với thuốc chưa được Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo sử dụng, chưa được cấp phép lưu hành, chưa được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại bất kỳ nước nào trên thế giới: việc sử dụng phải tuân thủ các quy định về thử nghiệm lâm sàng của Bộ Y tế. Đối với thuốc kháng virus Molnupiravir, chỉ định, chống chỉ định và liều dùng áp dụng theo thuyết minh đề cương thử nghiệm lâm sàng đã được phê duyệt.
Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cũng gửi các văn bản yêu cầu các địa phương siết chặt việc mua bán chui các thuốc điều trị Covid-19. Ngoài ra, Cục Quản lý Dược cũng khuyến cáo người dân không nên tự mua thuốc vì có thể mua phải thuốc giả, thuốc kém chất lượng.
K.Chi
Bé trai 5 tuổi suýt mất mạng do di chứng đáng sợ của Covid-19
Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM vừa cấp cứu 1 bé trai nhập viện do khó thở, tím môi, suy hô hấp, trước đó đã từng mắc Covid-19.
F0 không triệu chứng có cần sử dụng thuốc, thuốc kháng virus?
Người dân tự ý sử dụng thuốc kháng virus có chiều hướng gia tăng. Nhiều loại thuốc được quảng cáo thần thánh hoá uống 3-5 ngày khỏi, với giá 4-5 triệu đồng/1 hộp.
F0 ăn uống, mua thuốc nào hay chờ phát từ cơ sở y tế?
Hiện số ca mắc Covid-19 tại Hà Nội ngày càng tăng, số F0 theo dõi điều trị tại nhà cũng nhiều. Các bác sĩ cho rằng mọi người nên chủ động mua sẵn gói thuốc A dự phòng.