Tắm gội khiến F0 bệnh trở nặng, chuyên gia nói gì?
Thông tin trên mạng xã hội cho rằng người mắc Covid-19 không được tắm rửa, bệnh đang nhẹ mà tắm sẽ trở nặng… khiến cho nhiều người mắc Covid-19 hoang mang không biết nên vệ sinh cơ thể như thế nào cho an toàn.?
Đầu bết lại, bóng nhờn, từng mảng gầu bung ra ngứa ngáy
Chị Hoa (Long Biên, Hà Nội) kể, nhà chị 6/8 người lần lượt nhiễm SARS- CoV-2. Nghe mọi người nói không nên tắm lúc đang bệnh. Thậm chí chị đọc được trên mạng có người nói rằng, tắm xong rét run rồi nằm bệt luôn 5-6 ngày.
“Nghe thế nên tôi cũng sợ, bắt cả nhà “kiêng” tắm chỉ thay quần áo, vệ sinh qua loa. Cũng may đợt này, Hà Nội lạnh sâu nên dù có ngứa ngáy đôi chút khi không tắm nhưng vẫn còn chịu được. Nhưng đầu thì thật là khó. Cả nhà tóc ai cũng bết lại, bóng nhờn, gàu bung lên từng mảng, mùi cực kỳ khó ngửi. Ngứa lắm. Giờ tôi biết phải làm sao?”, chị Hoa băn khoăn.
Trả lời câu hỏi này với phóng viên, TS. Lương y Phùng Tuấn Giang,Chủ tịch Viện Nghiên cứu Phát triển Y dược Cổ truyền Việt Nam cho biết, theo y học cổ truyền, khi tắm nước nóng làm giãn lỗ chân lông, từ đó gây mất khí, ngoại tà dễ xâm nhập... Nhiều trường hợp về việc tắm, gội gây cảm hàn, tử vong. Do đó, người ta thường quan niệm rằng khi ốm thì không nên tắm rửa. Nhiều người cho rằng khi mắc Covid-19 mà tắm bệnh sẽ trở nặng.
Thực hư thông tin F0 tắm, gội xong yếu đi, chuyên gia chỉ cách vệ sinh cơ thể an toàn |
Sở dĩ quan niệm như vậy là do trước đây nơi tắm rửa không được sạch sẽ và kín đáo, dễ bị gió lùa nên người ốm mà tắm là rất nguy hiểm. Một số người quá suy kiệt, chức năng tim phổi quá kém, khi tắm quá nóng hoặc lạnh có thể gây nên giãn mạch hoặc co mạch toàn thân, gây tăng hoặc giảm huyết áp đột ngột, có thể làm nặng thêm bệnh, thậm chí là tử vong.
“Vì thế khi đang mắc bệnh không nên tắm nước quá lạnh hoặc quá nóng và phải có cách tắm sao cho đúng cách.
Tắm rửa giúp giải phóng các tế bào da chết, làm thông thoáng da, cải thiện bài tiết của tuyến mồ hôi, cải thiện lưu thông máu, cải thiện tinh thần, cải thiện giấc ngủ. Bởi vậy, việc tắm rửa để đảm bảo vệ sinh cơ thể là cần thiết, miễn sao cần tắm đúng cách để không làm nặng tình trạng của bệnh mà còn giúp hỗ trợ chống lại bệnh”, TS, lương y Phùng Tuấn Giang bày tỏ.
Theo đó, với người mắc Covid-19 nên tắm cách ngày 1 lần, tắm nhanh, tận dụng nồi lá xông, xông xong rồi tắm.
Bác sĩ cảnh báo nhiều người xông gừng sả trị Covid-19 sai cách, gây nguy hiểm
Người mắc bệnh Covid-19, cơ thể đang rất mệt mỏi, cần nhiều oxy để thở, nếu xông toàn thân sẽ bị mất nước, khó thở và dễ chóng mặt, thậm chí gây choáng váng, ngất xỉu.
Cần lưu ý về thời gian tắm và phương pháp tắm:
Không nên tắm quá muộn sau 22h đêm, tốt nhất là trước 18h.
Không nên tắm ở nơi có gió lạnh.
Không nên tắm khi quá đói hoặc quá no.
Thời gian tắm thích hợp từ 5 – 10 phút.
Tắm bằng nước lá xông (sau khi xông xong), pha thêm nước ấm vừa đủ. Hoặc sử dụng muối tắm thảo dược.
Tắm xong cần lau khô người trước khi mặc quần áo.
Tóc cần lau kỹ và sấy khô.
Tránh ra ngoài trời gió, ở trước quạt hay điều hòa ngay sau khi tắm.
Massage sau tắm để làm giãn các mạch máu lại để da ấm lên.
Ngoài ra, theo Thạc sĩ, bác sĩ Kiều Xuân Thy, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM cơ sở 3, F0 nên uống một ly nước ấm trước khi tắm gội để đảm bảo cơ thể không mất nước. Vệ sinh trong ăn uống và vệ sinh thân thể giúp bạn mau hồi phục, kiêng khem thái quá sẽ rước thêm bệnh.
Có nên xông bồ kết trong nhà?
Xông nhà bằng bồ kết là một trong những cách thông mũi khi tắc, làm ấm không khí. Kinh nghiệm dân gian đốt bồ kết được người dân dùng từ lâu nhưng về vấn đề có thể tiêu diệt được virus SASR-CoV2 hay không thì chưa có nghiên cứu.
Xông như thế nào cho đúng cách?
Không chỉ có việc vệ sinh thân thể khiến nhiều F0 băn khoăn mà ngay cả việc xông như thế nào hiện cũng đang có nhiều luồng ý kiến khác nhau.
TS. Lương y Phùng Tuấn Giang,Chủ tịch Viện Nghiên cứu Phát triển Y dược Cổ truyền Việt Nam cho rằng xông hơi hay xông thảo dược là phương pháp giải cảm có từ lâu đời. Theo y học cổ truyền, cảm mạo là do ngoại tà xâm nhập từ bên ngoài vào, nên cần làm cho ra mồ hôi để loại trừ tà khí ra bên ngoài (pháp phát hãn, giải biểu). Người bệnh sẽ uống các thuốc có tác dụng phát hãn, giải biểu, uống thuốc nóng ấm, xông thảo dược để cho ra mồ hôi.
Theo y học hiện đại, xông hơi có tác dụng làm thông thoáng đường hô hấp, tinh dầu thảo dược giúp thư giãn tinh thần, nâng cao hệ miễn dịch, kháng lại tác nhân gây bệnh. Phương pháp này được dùng khi bệnh còn ở biểu, còn khi bệnh đã vào lý cần phải dùng các phương pháp khác để điều trị.
Bệnh nhân mắc Covid-19 có thể xông mũi họng ngày 1 lần, mỗi lần 10-15 phút |
Xông hơi quá nhiều gây mất mồ hôi, mất các chất điện trong cơ thể, làm rối loạn chuyển hóa, cơ thể càng yếu hơn. Bởi vậy, bệnh nhân cần được thầy thuốc hướng dẫn các xông hơi đúng cách và chăm sóc, bù điện giải, tân dịch khi xông hơi.
Cụ thể, bệnh nhân mắc Covid-19 có thể xông mũi họng ngày 1 lần mỗi lần 10-15 phút, giúp cho hệ hô hấp thông thoáng, tinh thần thư giãn, mau lành bệnh. Không xông quá nóng hoặc xông quá lâu gây tổn thương niêm mạc hô hấp. Ngoài xông vùng mũi họng, chúng ta có thể xông tinh dầu, xông thảo dược, đốt tháp hương thảo dược trong nhà để làm sạch không khí, ngăn ngừa tà khí, hỗ trợ điều trị bệnh.
N. Huyền
Cạo gió có nhanh 'thổi bay' Covid-19?
Một F1 chia sẻ cách chăm sóc F0 bằng cạo gió trứng gà. Sau khi đánh 4 quả trứng, F0 nhà F1 này đã hoàn toàn bình thường không còn nghẹt mũi, rát họng đến không nói được…
Sự thật trật lất cả triệu gia đình đang lầm tưởng xông hơi phòng, chống Covid-19
Xông hơi trong gia đình có cả người chưa nhiễm virus, đặc biệt là không gian nhỏ còn có nguy cơ làm phát tán virus ra môi trường xung quanh, bám trên các bề mặt, tăng cơ hội lây lan virus.
Lá xông bán chạy hơn cả rau, tác dụng của xông hơi và những lưu ý của chuyên gia?
Khi mỗi ngày cả nước có hơn 40 nghìn ca mắc Covid-19, F0 có ở khắp nơi thì người người, nhà nhà tranh thủ xông với hi vọng phòng, chống Covid-19