Cạo gió có nhanh 'thổi bay' Covid-19?
Một F1 chia sẻ cách chăm sóc F0 bằng cạo gió trứng gà. Sau khi đánh 4 quả trứng, F0 nhà F1 này đã hoàn toàn bình thường không còn nghẹt mũi, rát họng đến không nói được…
Bên cạnh việc xông hơi bằng sả, chanh, gừng tỏi thì “bí kíp” nhanh đuổi bay Covid-19 bằng cạo gió, xịt nano bạc hà cũng được nhiều F0 ở Hà Nội truyền tai nhau...
Cách làm này có căn cứ khoa học và hiệu quả?
Trên các diễn đàn, mạng xã hội hiện nhiều người chia sẻ “bí kíp” cho F0 thực hiện như: xịt nano bạc, xông hơi bằng sả chanh, gừng tỏi, thậm chí cạo gió bằng trứng kèm đồng bạc để nhanh âm tính.
Vốn nghĩ “vô hại” bởi toàn bằng thảo dược, thực phẩm an toàn, những kinh nghiệm dân gian đã được thực hành qua nhiều đời nay nên nhiều chị em đã tin tưởng sử dụng.
Chị T. H (Hai Bà Trưng) chia sẻ, ngay sau khi phát hiện nhà 2/4 người dương tính. Một mặt, chị chuẩn bị trước hoặc ngay lập tức đặt mua thuốc và máy đo Sp02 theo yêu cầu của bác sĩ.
“Bên cạnh đó, mình xúc hòng nano bạc, xông họng bằng Nano bạc và đặc biệt đánh gió bằng trứng và bạc.
Cách đánh gió là luộc trứng lên, còn nóng bỏng, mình tách lòng đỏ ra, giữ lòng trắng và vỏ trứng, cho cái nhẫn bạc vào giữa, lấy khăn bọc lại và đánh như đánh gió bình thường”, chị H cho hay.
Người phụ nữ này cho biết “nhà mình nghiện món này, ốm không uống thuốc mấy nhờ nó. Hiện tại, mỗi ngày F1 đánh 1 quả trứng, F0 đánh tầm 3 - 4 quả. Phải nói là vô cùng ổn. Bạn N. đang nghẹt mũi, rát họng đến không nói được, sau khi đánh 4 quả trứng, bạn ấy hoàn toàn bình thường”, chị H chia sẻ trên facebook cá nhân.
Cạo gió có nhanh thổi bay Covid-19? |
Không chỉ có vậy, người phụ nữ này cũng cho biết hàng ngày đun một nồi nước xông để xông phòng và xông cho tất cả các thành viên trong gia đình.
Vậy việc đánh gió bằng trứng bạc có thực sự hiệu quả như mọi người truyền tai?
Trả lời câu hỏi này với phóng viên Infonet, BS Lê Xuân Thắng, nguyên bác sĩ Khoa Nội tiêu hoá Bệnh viện Quân y 103, quản trị viên nhóm bác sĩ Quân y hỗ trợ F0 ở Hà Nội cho biết “điều này không có cơ sở khoa học”.
“Nên chia sẻ này không đúng. Tất cả kinh nghiệm chữa Covid-19 theo kiểu truyền tai như thế này đều rất nguy hiểm. Bởi người bệnh nếu chủ quan làm theo, không điều trị theo bác sĩ thì nguy cơ bệnh tiến triển nặng hơn”, BS Thắng nhấn mạnh.
Ngoài ra, BS Thắng cũng khẳng định xông sả chanh không diệt được virus.
Việc làm này chỉ ổn định triệu chứng chảy mũi hoặc triệu chứng khác theo tính chất của đông y. Trong khi tình trạng mất mùi mất vị do virus gây tổn thương các tế bào nên không thể hồi phục ngay và hồi phục bằng phương pháp xông hơi được.
Bổ sung thêm, BS. chuyên khoa cấp 1 Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt-Nga, Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga, Bộ Quốc phòng cũng nhấn mạnh, người nhiễm Covid-19 khi sốt nếu được xông hơi hoặc đánh gió chỉ có tác dụng làm cho đỡ khó chịu chứ không diệt được virus, không thể làm cho virus hết hoặc suy yếu để nhanh âm tính.
“Ngay cả với các loại thuốc kháng virus hiện nay cũng không có tác dụng tiêu diệt virus mà chỉ ngăn chặn quá trình nhân lên của virus hoặc làm thay đổi mã di truyền của virus khiến virus nhân lên bị thay đổi.
Rất nhiều người thích xông hơi, cạo gió. Nếu sốt thì xông một chút có thể giúp đỡ mệt, chứ xông nhiều càng mệt. Hiện nay chưa có bằng chứng nào cho thấy xông hơi diệt được virus.
Việc đánh gió bằng đồng bạc cũng vậy, không thể giúp diệt được virus nên không có chuyện đánh gió giúp nhanh âm tính", BS. Hoàng nhấn mạnh.
Tương tự, BS chuyên khoa truyền nhiễm Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi đồng TP Hồ Chí Minh cũng cho rằng việc mọi người mách nhau cách xịt nano bạc, cạo gió bằng đồng bạc, xông tỏi, gừng... để nhanh âm tính là không có cơ sở.
“Quan niệm này hoàn toàn không đúng, không có tác dụng như truyền miệng. Vì nó không có hiệu quả”, BS Khanh khẳng định với phóng viên.
N. Huyền
Một người có thể nhiễm Covid-19 bao nhiêu lần?
Có những báo cáo về các trường hợp tái nhiễm Covid-19 từ 3-4 lần chỉ trong vòng vài tuần. Và khi đại dịch còn diễn biến kéo dài, nguy cơ tái nhiễm sẽ càng tăng cao.
Người nhiễm biến thể Delta rồi có nguy cơ mắc lại Omicron không?
Theo các chuyên gia, khi chúng ta đang tồn tại hai biến chủng Delta và Omicron thì nguy cơ người mắc biến chủng trước đó có thể tái nhiễm với biến chủng mới.
4 trường hợp ở Bệnh viện Bạch Mai nhiễm chủng Omicron, tới đây Hà Nội số ca mắc sẽ tiếp tục tăng?
Theo PGS. TS Nguyễn Huy Nga, sẽ có những người đã mắc cách đây mấy tháng mắc lại hoặc người sức đề kháng kém thì cũng có thể mắc lại, người tiêm rồi vẫn có thể mắc Covid-19…