‘Khai tử’ dự án 820ha của Louis Capital, bất động sản phát mại hạ giá cả trăm tỷ vẫn ế
Phú Thọ ‘khai tử’ dự án nghỉ dưỡng 820ha của Louis Capital
Công ty CP Louis Capital (MCK: TGG) vừa thông báo nhận được quyết định của UBND tỉnh Phú Thọ về việc quyết định chấm dứt hoạt động dự án và thu hồi chấp thuận chủ trương đầu tư dự án khu du lịch nghỉ dưỡng Ao Giời – Suối Tiên, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ.
Được biết, dự án Ao Giời – Suối Tiên nhận được quyết định chủ trương đầu tư số 2237/QĐ-UBND ngày 29/8/2017 của UBND tỉnh Phú Thọ và được quy hoạch tại tiểu khu 48, xã Quân Khê, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ.
Dự án có tổng diện tích 820,39 ha, trong đó, 24,3 ha dành cho các dự án du lịch văn hóa tâm linh và nghỉ dưỡng; 148,69 ha dành cho vùng đệm; và 647,4 ha rừng tự nhiên, gồm 3 cụm công trình lớn: Khu du lịch sinh thái và tín ngưỡng “Huyền thoại Mẹ Âu Cơ”, Không gian văn hóa, du lịch trung du Bắc Bộ, trung tâm nghỉ dưỡng “Bách niên tiên cảnh”.
Về phía Louis Capital, sau khi Chủ tịch Louis Capital bị bắt, các công ty thuộc hệ sinh thái Louis gặp nhiều khó khăn, nhiều kế hoạch bị "phá sản".
Mới đây, Louis Capital công bố tài liệu đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2022, dự kiến diễn ra ngày 14/10 tại TP.HCM. Tại đại hội cổ đông bất thường này dự kiến sẽ trình cổ đông miễn nhiệm thành viên hội đồng quản trị đối với ông Nguyễn Mai Long, ông Trịnh Văn Bảo, ông Ngô Thục Vũ, ông Cao Bá Trung. Louis Capital cũng miễn nhiệm thành viên ban kiểm soát đối với bà Nguyễn Thị Kiều Liên, ông Hồ Lê Hoàng Anh và ông Phạm Minh Vương. Trước đó, các cá nhân nêu trên đã nộp đơn xin từ nhiệm.
Louis Capital cũng dự kiến bầu bổ sung 4 thành viên hội đồng quản trị và 3 thành viên ban kiểm soát mới. Tuy nhiên, công ty chưa công bố danh sách ứng viên cụ thể.
Đồng Nai thu hồi 2 khu đất của IDICO và Sông Đà Đồng Nai
Tỉnh Đồng Nai đã có quyết định thu hồi 9.778m2 đất của Công ty IDICO tại xã Long An, huyện Long Thành đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào năm 2014. Cùng với đó, tỉnh cũng thu hồi 1.932m2 (chưa trừ hơn 170m2) nằm trong hàng lang an toàn lưới điện của Công ty CP Sông Đà Đồng Nai tại phường An Bình, TP Biên Hòa.
Lý do thu hồi là cả 2 khu đất của 2 doanh nghiệp này hết thời hạn thuê đất nhưng không được gia hạn theo quy định tại Luật Đất đai 2013.
Theo đó, UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường công bố quyết định, thanh lý hợp đồng thuê đất, chỉ đạo Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh quản lý chặt chẽ khu đất sau khi thu hồi đối với 2 khu đất. Đồng thời, yêu cầu 2 doanh nghiệp khẩn trương di dời tài sản trên đất để bàn giao đất và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các cơ quan quản lý.
Tỉnh Đồng Nai cũng yêu cầu UBND TP Biên Hòa và UBND huyện Long Thành cũng như các đơn vị liên quan giám sát, đôn đốc việc di dời tài sản của doanh nghiệp trong thời gian cho phép.
Trường hợp Công ty IDICO và Công ty Sông Đà Đồng Nai không chấp hành thì tổ chức cưỡng chế di dời theo quy định.
Bình Định ra tối hậu thư với chủ đầu tư dự án nợ thuế
UBND tỉnh Bình Định đã có văn bản chỉ đạo Cục Thuế tỉnh này kiểm tra, rà soát và đôn đốc nhà đầu tư là Công ty cổ phần Thị Nại Eco Bay khẩn trương thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với dự án khu du lịch sinh thái Đầm Thị Nại thuộc 2 phường Đống Đa và Nhơn Bình (TP Quy Nhơn). Theo đó, Cục Thuế tỉnh cần tham mưu, đề xuất hướng xử lý theo đúng quy định pháp luật.
UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra tiến độ triển khai thực hiện dự án nêu trên; giao Sở Xây dựng tỉnh kiểm tra việc triển khai thực hiện đầu tư xây dựng dự án theo quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 đã được UBND tỉnh phê duyệt tháng 1/2020.
Theo Chi cục Thuế TP Quy Nhơn, tính đến cuối tháng 8/2022, Công ty cổ phần Thị Nại Eco Bay còn nợ 411,737 tỷ đồng tiền thuê đất và trễ hạn 90 ngày phải nộp. Qua đó, Chi cục Thuế TP Quy Nhơn đã cưỡng chế các tài khoản được đăng ký của công ty này để thu hồi tiền nợ thuê đất, nhưng trong các tài khoản đều không có tiền.
Được biết, tổng tiền thuê đất đối với dự án trên 1.100 tỷ đồng, doanh nghiệp được hưởng ưu đãi giảm thuế 80 tỷ đồng. Việc còn nợ tiền thuê đất và chậm trễ trả khoản tiền này sẽ khiến dự án không được cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền sử dụng đất.
Bất động sản phát mại hạ giá cả trăm tỷ đồng vẫn ế
Agribank thông báo bán đấu giá lần thứ 28 khoản nợ của doanh nghiệp tư nhân Thanh Tùng, gồm nợ gốc hơn 352 tỷ đồng, nợ lãi vay hơn 356 tỷ đồng. Tuy nhiên, ở lần đấu giá này, Agribank chỉ đưa ra giá khởi điểm là 352 tỷ đồng, chỉ bằng chính nợ gốc mà doanh nghiệp này phải trả. Tài sản bảo đảm để thế chấp cho khoản vay là quyền sử dụng đất sản xuất kinh doanh diện tích 6.952 m2 ở huyện Bình Chánh, TP.HCM.
Khoản nợ này bắt đầu được Agribank tổ chức bán đấu giá lần đầu vào cuối năm 2018 với giá khởi điểm là 405 tỷ đồng.
Còn ngân hàng BIDV thông báo bán đấu giá khoản nợ của Công ty CP Vertical Synergy VietNam. Tài sản thế chấp cho khoản vay là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại số 63 đường Pastuer, phường Bến Nghé, quận 1; 12 bất động sản tại phường An Phú Đông, quận 12; bất động sản tại địa chỉ 102 Trần Quốc Toản, phường 7, quận 3.
Giá khởi điểm cho toàn bộ tài sản trên là hơn 348 tỷ đồng. Như vậy, giá khởi điểm ở lần rao bán này đã giảm hơn 120 tỷ đồng so với thông báo hồi đầu tháng 7/2022.
Thảo Nguyên (t/h)