Hút thuốc lá làm tăng 7 lần nguy cơ mắc COVID-19
Thanh thiếu niên hút thuốc lá điện tử có nguy cơ được chẩn đoán với COVID-19 cao gấp 5 lần và những người trẻ tuổi vừa hút thuốc lá điện tử vừa hút thuốc lá thông thường có nguy cơ nhiễm COVID-19 cao hơn gấp 7 lần.
Nguy hại hơn từ thuốc lá
Đó là kết luận của một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Mỹ. Kết quả này cung cấp thêm bằng chứng cho thấy rằng, những người trẻ tuổi sử dụng thuốc lá/thuốc lá điện tử đối mặt với nguy cơ nhiễm COVID-19 cao hơn.
Phát hiện này được công bố mới đây trên Tạp chí Sức khỏe Vị thành niên, đã thúc đẩy các nhà lập pháp ở Hoa Kỳ yêu cầu Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) xóa sổ thuốc lá điện tử trên thị trường cho đến khi cuộc khủng hoảng COVID-19 kết thúc.
Đây thực sự là những con số đáng báo động. Tôi muốn mọi người nhận ra rằng thuốc lá điện tử không an toàn, mà có những tác hại thực sự, đáng kể và nghiêm trọng. Tác giả Bonnie Halpern-Felsher, giáo sư nhi khoa tại Đại học Stanford ở California, Hoa Kỳ, cho biết.
Các nhà khoa học đã thực hiện một cuộc khảo sát trực tuyến. Hơn 4.300 thanh thiếu niên Hoa Kỳ (từ 13 đến 24 tuổi) đã hoàn thành cuộc khảo sát vào đầu tháng 5. Một nửa cho biết họ đã sử dụng thuốc lá điện tử. Nghiên cứu này được thực hiện sau khi một nghiên cứu của Trung Quốc cho thấy những người hút thuốc bị nhiễm COVID-19 nặng hơn và phải nhập viện thường xuyên hơn.
Kết quả cho thấy, những người dùng thuốc lá điện tử và hút thuốc lá điếu có các triệu chứng COVID-19, bao gồm ho, sốt, mệt mỏi và khó thở cao gấp 5 lần so với những người không bao giờ hút thuốc. Những người trẻ tuổi sử dụng cả thuốc lá điện tử và thuốc lá điếu có nguy cơ được xét nghiệm COVID-19 cao hơn 9 lần so với những người không sử dụng. Nghiên cứu cho thấy những người mới đây có sử dụng thuốc lá điện tử có nguy cơ cần xét nghiệm COVID-19 cao hơn gần ba lần.
Hút thuốc lá làm tăng 7 lần nguy cơ mắc COVID-19 |
Thuốc lá giết chết hơn 8 triệu người trên toàn cầu mỗi năm. Trong đó hơn 7 triệu người tử vong do sử dụng thuốc lá trực tiếp và khoảng 1,2 triệu người tử vong dù không hút thuốc nhưng tiếp xúc với khói thuốc một cách thụ động.
Hút thuốc lá là một yếu tố làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp và làm tăng mức độ nghiêm trọng của các bệnh về đường hô hấp. Theo đánh giá của hội đồng các chuyên gia y tế công cộng được WHO triệu tập mới đây cho thấy những người hút thuốc có nguy cơ mắc các biến chứng nghiêm trọng về sức khỏe do COVID-19 cao hơn so với những người không hút thuốc.
Nguyên nhân tăng nguy cơ mắc COVID-19
Mặc dù nghiên cứu không được thiết kế để tìm hiểu mối quan hệ nhân quả, nhưng TS. Halpern-Felsher cho biết có một số lý do sinh học thuyết phục mà người hút thuốc có thể dễ bị nhiễm COVID-19 hơn. Đó là, thuốc lá điện tử có thể ảnh hưởng đến phổi và hệ miễn dịch. Thêm vào đó, có một con đường mà SARS-CoV-2, vi-rút gây ra COVID-19 dựa vào để xâm nhập các tế bào, và thuốc lá điện tử có thể làm cho con đường này trở nên khả dụng hơn.
Các nhà khoa học cũng lưu ý rằng khả năng thanh thiếu niên dùng chung thuốc lá điện tử sẽ cao hơn. Nếu một người bị nhiễm bệnh, người tiếp theo sử dụng thiết bị có thể hít phải các hạt vi-rút vào sâu trong phổi của họ. Hơi thở ra cũng có thể chứa virus và có khả năng lây nhiễm cho những người xung quanh.
Theo tiến sĩ Michael Grosso, giám đốc y tế và chủ nhiệm khoa Nhi tại Bệnh viện Huntington ở Huntington, N.Y., các sản phẩm thuốc lá có thể làm tăng tỷ lệ nhiễm bệnh bằng cách làm tổn thương biểu mô hô hấp (niêm mạc phổi). Những người trẻ tuổi sử dụng thuốc lá điện tử có nguy cơ nhiễm COVID-19 thể nặng và gặp biến chứng rất cao. Điều này cảnh báo các bác sĩ đa khoa rằng một số bệnh nhân nhất định có thể có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
COVID-19 là một bệnh truyền nhiễm chủ yếu tấn công phổi. Hút thuốc lá làm suy yếu chức năng phổi khiến cơ thể khó chống lại SARS-CoV-2 và các bệnh khác. Hút thuốc lá cũng là yếu tố nguy cơ chính đối với các bệnh không lây nhiễm như bệnh tim mạch, ung thư, bệnh hô hấp và đái tháo đường, khiến những người mắc các bệnh này có nguy cơ mắc bệnh nặng hơn khi bị nhiễm COVID-19. Các nghiên cứu cho thấy những người hút thuốc khi mắc COVID-19 có nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong cao hơn.
WHO liên tục đánh giá các nghiên cứu mới, bao gồm các nghiên cứu về mối liên hệ giữa việc sử dụng thuốc lá, sử dụng nicotin và COVID-19. WHO kêu gọi các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học và giới truyền thông nên thận trọng về việc khuếch đại các tuyên bố chưa được chứng minh rằng thuốc lá hoặc nicotin có thể làm giảm nguy cơ mắc COVID-19.
Patricia Folan, giám đốc Trung tâm Kiểm soát Thuốc lá tại Northwell Health, ở Great Neck, N.Y., cho biết, những phát hiện này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc khuyến khích thanh niên ngừng hút thuốc lá và/hoặc dùng thuốc lá điện tử. Đối với những người trẻ đã nghiện, không phải lúc nào cũng dễ dàng tìm được sự trợ giúp từ việc cai nghiện. Nhưng hiện đã có các đường dây nóng và các chương trình phù hợp với những người trẻ tuổi nhằm giúp các đối tượng này cai nghiện thuốc lá.
Khánh Chi