Hợp tác xã Nông nghiệp Buôn Choáh mở ra cơ hội cho nông dân trồng lúa đặc sản
Người nông dân xã Buôn Chóah có nghề trồng lúa từ lâu đời và kinh tế của người dân nơi đây chủ yếu dựa vào cây lúa. Toàn xã Buôn Chóah có trên 700 ha đất trồng lúa nước mỗi vụ nhưng, do bà con có lối tư duy sản xuất cũ kỹ nên hiệu quả kinh tế không cao.
Tuy nhiên chỉ trong vòng mười năm trở lại đây, kể từ khi chính quyền huyện Krông Nô định hướng cho người nông dân xã Buôn Chóah thay đổi cách sản xuất bằng việc trồng các giống lúa năng suất, chất lượng cao. Kể từ đó người nông dân bắt đầu có thu nhập từ trồng lúa nước, chính vì vậy đời sống bà con nông dân cũng ngày càng được nâng lên.
Đến năm 2014, huyện Krông Nô thành lập tổ hợp tác sản xuất lúa chất lượng cao, sau đó chuyển thành tổ hợp tác sản xuất lúa VietGap.
Tháng 8 năm 2020, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Buôn Choáh chính thức được thành lập đáp ứng nguyện vọng và sự mong mỏi của người dân cũng như chính quyền địa phương.
Dù chỉ mới thành lập được hơn 2 năm, nhưng hiện nay HTX Nông nghiệp Buôn Choáh có lực lượng đông đảo với 311 thành viên và thành viên liên kết trồng trên 440 ha lúa VietGap với các giống ST24, ST25 được thế giới đánh giá chất lượng thơm ngon.
Ngoài ra HTX Nông nghiệp Buôn Choáh còn liên kết với các doanh nghiệp trong nước tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm lúa, nâng cao thu nhập cho nông dân Buôn Choáh.
Anh Triệu Văn Trường, một thành viên HTX Nông nghiệp Buôn Choáh chia sẻ, cũng như hàng trăm hộ nông dân ở xã Buôn Chóah, gia đình anh Trường có nghề trồng lúa từ lâu đời. Tuy nhiên do yếu về mặt khoa học kỷ thuật nên gia đình anh Trường trồng lúa chỉ mong đủ ăn chứ không hi vọng dư giả gì cả.
Theo anh Trường thì, từ khi HTX Nông nghiệp Buôn Choáh ra đời đã giúp những nông dân như anh phát triển kinh tế từ trồng lúa đặc sản. Đặc biệt theo anh Trường khi nông dân thu hoạch lúa xong sẽ được thu mua toàn bộ sản phẩm nên, vấn đề đầu ra không còn đang lo ngại mà việc đáng lo là làm sao phải theo quy trình hướng dẫn chăm sóc cây lúa cho tốt để năng suất đạt cao mang lại nguồn thu nhập ổn định.
“HTX và địa phương vận động nông dân trồng các giống lúa năng suất cao, chất lượng tốt nên mỗi vụ trừ chi phí thu về khoảng 30 triệu đồng/ha. Hiện nay, với 2 ha trồng lúa ST24 và ST25 mỗi năm trừ chi phí thu về tầm 120 triệu đồng, đây là thu nhập mà trước đây tôi và gia đình không bao giờ dám nghĩ tới”, anh Trường cho biết thêm.
Trao đổi với PV, bà Trần Thị Thanh Vân, Trưởng Ban quản lý VietGap của Hợp tác xã Nông nghiệp Buôn Choáh cho biết, trên cơ sở các tổ hợp tác đơn vị nhận thấy cần phát triển sản xuất, kinh doanh để nâng cao hiệu quả kinh tế cho nông dân và giá trị lúa gạo Buôn Choáh nên đã thành lập HTX Nông nghiệp Buôn Choáh.
“Chúng tôi phối hợp với các cơ quan chuyên môn tập huấn kỹ thuật cho nông dân kỹ lưỡng và giám sát thực hiện nghiêm ngặt. Trong quá trình sản xuất, có 5 hộ không tuân thủ kỹ thuật trồng lúa VietGap và HTX đã mời ra, khi nào họ tuân thủ sẽ tạo điều kiện được tham gia”, bà Vân cho biết thêm.
Còn ông Bùi Hoa Thám, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Đắk Nông đánh giá, HTX Nông nghiệp Buôn Choáh là một trong số các HTX kiểu mới đang phát huy bản chất của kinh tế tập thể, đó là mang lại lợi ích thiết thực cho người nông dân.
“Chúng tôi kỳ vọng HTX tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh và hướng tới chế biến sâu để nâng cao giá trị lúa gạo Buôn Choáh và xây dựng thương hiệu cho Krông Nô nói riêng, Đắk Nông nói chung”, ông Thám chia sẻ thêm.
Hải Dương -Thanh Nga