Liên minh hợp tác xã Thanh Hóa mang lại nhiều lợi ích cho thành viên
Liên minh hợp tác xã (HTX) Thanh Hóa luôn phát huy vai trò nòng cốt trong việc phát triển kinh tế tập thể, HTX, đẩy mạnh việc xây dựng liên minh vững mạnh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các thành viên.
Nâng cao chất lượng hoạt động HTX
Năm năm qua (2016-2020) các cơ sở kinh tế tập thể, HTX trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã nổ lực phấn đấu, từng bước vươn lên phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Trong đó, số lượng HTX, Liên hiệp HTX thành lập mới, chất lượng hoạt động của các HTX tăng lên hàng năm.
Ước tính đến ngày 31/12/2020 toàn tỉnh có 1.066 HTX, 1 Liên hiệp HTX. Trong đó, có 673 HTX dịch vụ nông nghiệp, 142 HTX công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp, 18 HTX xây dựng, 67 quỹ tín dụng nhân dân, 73 HTX thương mại-dịch vụ, 27 HTX giao thông vận tải, 21 HTX môi trường, 45 HTX khác.
Thành viên HTX Bình Sơn phấn khởi thu hoạch chè sạch đạt tiêu chuẩn OCOP |
Đến thời điểm hiện tại tỉnh Thanh Hóa có 203.624 người tham gia HTX với doanh thu bình quân của HTX đạt 6,5 tỷ đồng, lãi bình quân mỗi HTX đạt 238 triệu đồng/năm, mang lại thu nhập bình quân mỗi lao động 44 triệu đồng/năm.
Liên minh HTX Thanh Hóa ra đời nhằm giúp các hoạt động cũng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các thành viên, bồi dưỡng, tập huấn về pháp luật cho quản lý, lao động tại các HTX.
Ngoài ra, liên minh còn tư vấn, hỗ trợ vay vốn từ Quỹ hỗ trợ quốc gia về việc làm, Quỹ hỗ trợ phát triển HTX của Trung ương, tỉnh đã hỗ trợ 49 HTX hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ vay vốn với tổng số vốn hơn 19 tỷ đồng xây dựng hoàn thiện mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị; hỗ trợ 86 HTX tham gia hội chợ xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm hàng hóa, liên kết hợp tác kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ...
Qua đó, giúp thành lập, củng cố, phát triển kinh tế tập thể, nâng cao chất lượng hoạt động của HTX, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho thành viên, người lao động, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Ông Lê Hồng Hải, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Hàng năm liên minh vẫn luôn tổ chức tập huấn nâng cao năng lực quản lý, sản xuất kinh doanh để có bước phát triển cho các HTX. Ngoài ra, đơn vị cũng xây dựng mô hình HTX gắn với chuỗi giá trị như tư vấn, hỗ trợ, cho các thành viên đi học tập kinh nghiệm để củng cố nâng cao chất lượng HTX trong vai trò xây dựng nông thôn mới (NTM) tại địa phương”.
Việc phát triển kinh tế tập thể góp phần tích cực xóa đói, giảm nghèo, tạo thêm việc làm, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của thành viên HTX và cộng đồng dân cư, góp phần thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM.
Nhiều HTX chỉ hoạt động hình thức
Tuy đã góp phần hỗ trợ, tư vấn, liên kết chuỗi giá trị HTX và nâng cao chất lượng hoạt động của HTX nhưng những hoạt động của nhiều HTX tỉnh Thanh Hóa vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế chưa được giải quyết.
Việc hỗ trợ vay vốn giúp nhiều hội viên HTX phát triển cây trồng thoát nghèo |
Cụ thể như khu vực kinh tế tập thể, HTX tại tỉnh Thanh Hóa phát triển còn chậm chưa đạt yêu cầu đặt ra, phát triển chưa bền vững. Tốc độ tăng trưởng của khu vực kinh tế tập thể, HTX chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế tập thể, HTX chưa cao, tỷ lệ đóng góp vào GDP của tỉnh thấp (khoảng 4%).
Ngoài ra, trong quá trình chuyển đổi và phát triển HTX còn nhiều hoạt động hình thức, chưa có đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động, năng lực hoạt động của HTX còn yếu, khó khăn về vốn, cơ sở vật chất, trình độ quản lý. Các HTX hoạt động thiếu tính liên kết với nhau, hoạt động liên kết chuỗi giá trị giữa HTX và doanh nghiệp còn nhiều hạn chế.
Các HTX góp phần phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM |
Bên cạnh đó, còn các HTX hoạt động yếu kém, chỉ hoạt động hình thức, tác động đối với thành viên thấp, các thành viên chưa tin tưởng và tham gia đóng góp xây dựng cho HTX. Số lượng HTX được tiếp cận với các chính sách hỗ trợ của nhà nước đặc biệt là chính sách hỗ trợ kết cấu hạ tầng, tín dụng, thuê đất còn thấp.
Nguyên nhân dẫn đến những hạn chế, tồn tại trên là do các HTX chưa thực sự chủ động, chưa thực hiện theo mô hình mới, chưa huy động được nội lực để phát triển, thiếu định hướng, kế hoạch phát triển. Nhận thức về phát triển kinh tế tập thể, HTX của một số các cấp, các ngành, địa phương chưa đầy đủ; sự thiếu quan tâm, buông lỏng của lãnh đạo, quản lý tổ chức hoạt động của HTX, thiếu đồng bộ, tổ chức thực hiện...
100% thành viên HTX, Liên hiệp HTX, Tổ hợp tác được tuyên truyền chủ trương và pháp luật về HTX, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX.
Doanh thu, lợi nhuận bình quân của HTX tăng mỗi năm 10%; thu nhập bình quân thành viên HTX đạt 56 triệu đồng/1 người/năm, lãi bình quân một HTX đạt 304 triệu đồng/năm.
Trần Nghị