Huế: Lan tỏa mô hình hợp tác xã kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm
Với phương châm “Hợp tác – Đổi mới – Phát triển – Hiệu quả”, Liên minh HTX tỉnh Thừa Thiên – Huế đang phát huy vai trò “hạt nhân” trong việc thúc đẩy KTXH địa phương
Nâng cao năng lực quản lý, hỗ trợ các hợp tác xã đưa sản phẩm đến thị trường
Để có những đóng góp lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thừa Thiên – Huế, Liên minh HTX tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đưa ra những giải pháp hỗ trợ kinh tế tập thể, hợp tác xã hướng đến những mô hình kiểu mới và tạo nguồn sản phẩm chất lượng, có chỗ đứng bền vững trên thị trường.
Cán bộ Liên minh HTX tỉnh Thừa Thiên - Huế cùng các đơn vị hướng dẫn hội viên trồng rừng. |
Cụ thể, Liên minh HTX tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp với Trung tâm Khoa học - Công nghệ và Môi trường (Liên minh HTX Việt Nam) hỗ trợ các HTX Phò Ninh (Phong Điền), HTX Môi trường và Đô thị Phong Hiền (Phong Điền), HTX Dệt thổ cẩm Nhâm (A Lưới), HTX Nông nghiệp Quảng Thọ 2 (Quảng Điền)... xây dựng mô hình kiểu mới gắn liên kết chuỗi sản phẩm và ứng dụng khoa học - công nghệ, kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất kinh doanh, chế biến sản phẩm mang lại giá trị kinh tế cao.
Liên minh HTX tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đang triển khai dự án “Hỗ trợ các hộ trồng rừng quy mô nhỏ tại Việt Nam hướng tới cấp chứng chỉ rừng” do FFD tài trợ tại các HTX Nông nghiệp Hòa Mỹ, Phù Bài, Thủy Phù, Thủy Phương, Thủy Dương, Nam Sơn và đã có 851 ha rừng trồng (cây keo lai) đã được Tổng cục Lâm nghiệp cấp giấy chứng nhận quản lý rừng bền vững (VFCS).
Bên cạnh đó, Liên minh HTX tỉnh Thừa Thiên - Huế đang phối hợp với các tổ chức phi chính phủ, tổ chức đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ, thành viên của HTX Hương Phong (A Lưới), HTX Dịch vụ Du lịch Thanh Toàn (thị xã Hương Thủy) và hỗ trợ các HTX Mây tre đan Thủy Lập, HTX Nông nghiệp Bắc Hà, HTX Nông nghiệp Phú Hồ… về tư vấn xây dựng kế hoạch phát triển HTX, đào tạo nguồn nhân lực cán bộ quản lý HTX, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, xây dựng chiến lược sản xuất kinh doanh, mô hình sản xuất lúa sạch...
Thành viên Hợp tác xã thanh trà Phong Thu (huyện Phong Điền) đang chăm sóc cây thanh trà chuẩn VietGAP tháng 9/2020 vừa qua. |
Hướng dẫn xây dựng mô hình theo chuẩn VietGAP, mở rộng ngành nghề trong HTX, marketing lập kế hoạch kinh doanh và kỹ năng xây dựng chuỗi giá trị, nâng cao kỹ năng quản lý cho cán bộ HTX, HTX thế hệ mới và cung cấp thông tin, tư vấn, tập huấn, phổ biến quy định pháp luật về kinh tế tập thể, hợp tác xã.… Đồng thời, Liên minh HTX tỉnh Thừa Thiên - Huế thường xuyên cung cấp thông tin về các hội chợ, triển lãm chuyên ngành, thông tin thị trường… để các HTX chủ động tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm với hơn 125 mặt hàng có vị thế đến với thị trường.
Nhiều HTX chuyển đổi, hoạt động phù hợp với Luật HTX năm 2012
Không chỉ mang sản phẩm tiêu biểu quảng bá ở các lễ hội, Liên minh HTX tỉnh Thừa Thiên - Huế còn mới khai trương sàn kinh tế hợp tác, phòng trưng bày giới thiệu quảng bá sản phẩm HTX và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế. Ngoài ra, còn cùng các ban ngành tham gia thực hiện giải cứu, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho các HTX và bà con nông dân trong thời gian bị dịch bệnh Covid -19.
Cán bộ Liên minh HTX tỉnh Thừa Thiên – Huế thăm mô hình nông nghiệp HTX Điền Hải (huyện Phong Điền). |
Đặc biệt, Liên minh HTX tỉnh Thừa Thiên - Huế tích cực hướng dẫn, tư vấn hỗ trợ các HTX hoàn thành việc chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012 với 52 lớp bồi dưỡng tập huấn cho khoảng 3.500 lượt cán bộ, thành viên HTX để góp phần nâng cao năng lực quản lý, điều hành, ứng dụng công nghệ mới…
Nhờ những mô hình mới có triển vọng với phương châm “Hợp tác – Đổi mới – Phát triển – Hiệu quả”, đến năm 2020 Liên minh HTX tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có 295/302 HTX (trong đó, có 218 HTX nông nghiệp, 24 HTX giao thông vận tải, 7 Quỹ tín dụng nhân dân, 45 HTX công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, điện, xây dựng, môi trường, thương mại dịch vụ và 8 HTX thuộc các lĩnh vực khác) hoạt động phù hợp với Luật HTX năm 2012 và thu hút khoảng 172.141 thành viên (tăng 17.779 thành viên so với đầu nhiệm kỳ) với tổng số lao động trong các HTX ước đạt 38.500 người (tăng 17.692 lao động), thu nhập bình quân của lao động trong HTX ước đạt 25 triệu đồng (tăng 2,35 lần). Những năm qua, các HTX đã đóng góp trực tiếp của khu vực kinh tế tập thể và hợp tác xã vào GRDP của tỉnh Thừa Thiên – Huế trung bình đạt khoảng 0,65%.
Mục tiêu dến năm 2025, Liên minh HTX tỉnh Thừa Thiên - Huế phấn đấu 100% thành viên HTX được tuyên truyền về chủ trương và pháp luật về HTX, chính sách hỗ trợ phát triển HTX… và thành lập mới từ 10 - 15 HTX/năm, phối hợp với các địa phương xây dựng mỗi huyện, thị xã, TP 3 mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị và 3 mô hình HTX ứng dụng công nghệ cao.
Bên cạnh đó, đưa tỷ lệ HTX hoạt động hiệu quả, sản xuất gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực quốc gia, vùng, địa phương trong lĩnh vực nông nghiệp đạt 70%, phi nông nghiệp đạt 80%. Phấn đấu doanh thu bình quân của HTX tăng từ 7-10%/năm và đóng góp của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã vào GRDP của tỉnh Thừa Thiên – Huế đến 2025 đạt từ 1% trở lên…
Mô hình chăn nuôi lợn sạch ở HTX Phù Bài (thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên – Huế). |
Trao đổi với PV, ông Phạm Hồng Phong - Chánh Văn phòng Liên minh HTX tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, kinh tế tập thể và hợp tác xã được xem là "hạt nhân" quan trọng góp phần phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện hiệu quả xây dựng nông thôn mới giảm nghèo bền vững thông qua tạo việc làm, nâng cao thu nhập, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất... Bên cạnh đó, nhiều HTX còn có tổ chức đảng và đoàn thể góp phần ổn định chính trị - xã hội.
Hà Oai