Hội thảo Quốc gia về tình trạng tảo hôn ở Việt Nam
![]() |
Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Cổng thông tin Ủy ban dân tộc. |
Tham gia Hội thảo có bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; ông Đỗ Văn Chiến, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT; ông Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế; bà Đào Hồng Lan, Ủy viên Dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội; bà Astrid Bant Trưởng đại diện Quỹ dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam. Ngoài ra còn có đại diện một số tổ chức quốc tế; đại diện Ban Dân tộc một số tỉnh thành.
Theo các số liệu được báo cáo tại hội nghị, tình trạng tảo hôn hiện xảy ra ở 63 tỉnh thành trên cả nước. Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống gây ra nhiều hệ lụy đối với bản thân, gia đình, gánh nặng cho xã hội. Theo kết quả điều tra thực trạng kinh tế - xã hội 53 DTTS năm 2015, do Ủy ban Dân tộc và Tổng cục Thống kê phối hợp thực hiện, tỷ lệ tảo hôn chung trong các DTTS là 26,6%, tỷ lệ tảo hôn cao nhất thuộc các DTTS sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội rất khó khăn như: Ơ Đu 73%; Mông 59,7%; Xinh Mun 56,3%; La Ha 52,7%; Rơ Măm 50%, Brâu 50%,…
Nguyên nhân chính là do nghèo đói và bất bình đẳng giới. Giải quyết tình trạng tảo hôn chính là một trong các giải pháp góp phần giảm nghèo, thúc đẩy bình đẳng giới và quyền con người, cũng như góp phần duy trì sự bền vững của phát triển kinh tế - xã hội cho cộng đồng và quốc gia.
Phát biểu tại Hội thảo, bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương nhấn mạnh: Để xây dựng cách tiếp cận giải quyết tảo hôn ở Việt Nam, Chính phủ cần tham vấn các tổ chức nghiên cứu, các tổ chức Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, các tổ chức quốc tế, các tổ chức xã hội dân sự. Trong đó chú trọng thay đổi các chuẩn mực xã hội nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, cần có các can thiệp cho trẻ em gái nhằm ngăn chặn tình trạng bỏ học giữa chừng, khuyến khích tạo điều kiện để các em được đi học trung học chuyên nghiệp, học nghề, bố trí việc làm. Song song với các biện pháp mang tính chất phòng ngừa như: Truyền thông, tư vấn, vận động thay đổi nhận thức, tiếp tục tăng cường đầu tư phát triển kinh tế, xã hội, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, nâng cao dân trí cho người dân.
Thay mặt các cơ quan phối hợp và chủ trì Hội thảo, phát biểu tổng kết, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến cho rằng: Cần có nhận thức đúng đắn hơn về thực trạng tảo hôn ở Việt Nam, xác định được nguyên nhân của tảo hôn, tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, kết hợp hài hòa giữa công tác tuyên truyền, vận động, đảm bảo thực thi pháp luật liên quan đến bình đẳng giới, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tham mưu với Chính phủ ban hành cơ chế chính sách để tiếp tục tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức, hỗ trợ tiếp cận dịch vụ y tế, giáo dục, tư vấn pháp luật và hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội vùng đặc biệt khó khăn, tăng cường thúc đẩy bình đẳng giới, trao quyền cho trẻ em, nhất là trẻ em gái; phát huy vai trò của cộng đồng cơ sở, thôn, xóm, bản, làng, phum, sóc, phòng chống bất bình đẳng và phân biệt đối xử. Rất cần có sự điều tra cơ bản, khảo sát phân tích sâu kết hợp cơ sở dữ liệu quốc gia về tảo hôn, cần có sự chung tay góp sức phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị nhưng cần phân định rõ ràng hơn, giao cho một cơ quan chịu trách nhiệm chính về vấn đề tảo hôn.
“Tảo hôn là vấn đề không chỉ diễn ra ở miền núi, vùng DTTS mà còn cả ở đồng bằng, cả dân tộc kinh, nhưng nếu chúng ta dành sự quan tâm đặc biệt, hỗ trợ có hiệu quả, giảm thiểu, đẩy lùi tình trạng tảo hôn ở vùng DTTS và miền núi thì cơ bản chúng ta sẽ thành công” - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh thêm.