Học sinh vùng cao biên giới của Kon Tum phấn khởi khi trường học được 'thay áo mới'
Nói về sự đổi thay của người dân ở xã Mo Rai, Già làng A Dói kể, ngày xưa, người dân tộc Rơ Măm có quá nhiều hủ tục nên ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Nhờ có cán bộ Nhà nước đến chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong trồng trọt và chăn nuôi nên người dân hiện nay đã có của ăn, của để. Đặc biệt, cán bộ đã bày cho cách ăn chín, uống sôi, biết phòng ngừa các loại dịch bệnh, nên sức khỏe của người dân đã được nâng lên đáng kể.
Ngoài ra, công tác giáo dục ở đây cũng không ngừng phát triển giúp con em người dân tộc Rơ Mâm vui hơn khi đến trường.
Trong câu chuyện kể về giáo dục, Già làng A Dói tấm tắc khen ngợi tính ham học của người dân từ nhiều nơi về đây chung xây đời mới. Phần lớn phụ huynh học sinh đều khao khát cho con em mình được học hành đến nơi đến chốn để sau này có kiến thức tính toán làm ăn.
Cách trung tâm huyện hơn 60 cây số, Mo Rai là xã khó khăn nhất hiện nay của huyện Sa Thầy. Cho đến giờ, việc ra vào Mô Rai vẫn là điều ái ngại nhất bởi đường xá xa xôi lại gập ghềnh, khó đi. Thế mà nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, ai tới đây cũng bất ngờ vì giữa bạt ngàn rừng núi lại có một trường học hiện đại được dựng lên.
Đặc biệt, trong sự "thay da đổi thịt" ở Mo Rai phải kể đến công lao của những thầy cô giáo nặng lòng với học sinh, vẫn luôn cần mẫn, tận tụy, cống hiến tuổi xuân, sức lực và trí tuệ để “ươm mầm” cho những ước mơ của trẻ em ở vùng khó khăn.
Với quan niệm “ở đâu có người học là ở đó có người dạy”, những năm qua nhiều giáo viên, đặc biệt là các nữ giáo viên đã không ngại khó khăn, vất vả, tình nguyện đến vùng biên giới Mo Rai để nối dài sự nghiệp "trồng người".
Từ khi ngôi trường mới được xây dựng khang trang, sạch sẽ, lũ trẻ cũng như các phụ huynh người đồng bào dân tộc Rơ Mâm cảm thấy rất vui mừng và tự hào.
Phụ huynh Y Nghênh cho biết: "Mỗi buổi sáng nhìn cảnh lũ trẻ tíu tít trong trang phục đẹp đẽ, sạch sẽ tới trường mà các phụ huynh đều rất vui mừng và hi vọng về một tương lai tươi sáng của con em mình. Chỉ có đi học, có cái chữ mới có thể tiếp cận được những thứ tiên tiến, giúp cuộc sống nơi đây bớt nhọc nhằn".
Hoàng Thanh